16/02/2014

Bạch Mai cổ thụ tại Bến Tre là cây di sản Việt Nam

Bông Bạch Mai
           
            Lê Thị Thặng
            Ngày 13/2, UBND TP Bến Tre long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Bạch Mai cổ thụ tại đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP Bến Tre) là cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh.PGS – TS Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Đạt, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Bến Tre, Trưởng ban Kiểm tra, ông Trương Duy Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Bến Tre, Bí thư TP Bến Tre, ông Trần Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre …và đông đảo nhân dân, các văn nghệ sĩ đến dự.

Bạch Mai cổ thụ tại sân đình Phú Tự




            Theo các bậc cao niên sống gần đình Phú Tự, Bạch Mai cổ thụ có tuổi thọ trên 300 tuổi, lúc trồng, địa phận tỉnh Bến Tre còn hoang vu nhưng Bạch Mai được trồng trên gò đất cao. Cội mai nguyên thủy đã lụn, sau đó tại cội mai nhảy ra 9 thân, phát triển tươi tốt đến nay. Chiều cao của thân mai lớn nhất hiện khoảng 10 mét. Bạch mai còn gọi là Bạch Khê hay Mai Khê. Đây là loài mai có lá giống cây mù u nhưng nhỏ hơn, thân sù sì, bông trắng tinh giống như loài sứ trắng, bông nở vào dịp Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng, âm lịch), bông có 4 cánh dày, nhụy vàng, mùi thơm ngào ngạt. Đặc biệt, theo dân gian, giống mai này đem trồng nơi khác rất khó sống. Theo quan sát của chúng tôi, giống Bạch Mai tại đình Phú Tự đem về trồng sống có cây Bạch Mai trước sân nhà của cô Phạm Thị Hạnh (phường 1, TP Bến Tre). Theo người nhà của cô Hạnh cho biết Bạch Mai đem về trồng vào năm 1983, thân cây cao 10 cm và chỉ với 3 lá nhỏ và Bạch Mai phát triển đến bây giờ…Bạch Mai cổ thụ tại đình Phú Tự là nơi thành kính của nhân dân trong vùng, nơi có đặt Văn bia Bạch Mai Bi Ký (Người đi mở đất phương Nam)của Bạch Mai Thi Hội thuộc Hội Văn học, Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu – Bến  Tre, là nơi diễn ra Ngày Thơ Việt Nam tại tỉnh nhà và các cuộc giao lưu, thi thơ của văn nghệ sĩ.

Cây bạch mai trước sân nhà cô Phạm Thị Hạnh.


Hiện nay, trên đất Nam bộ chỉ còn 3 cây Bạch Mai có tuổi cao nhất đó là Bạch Mai cổ thụ tại đình Phú Tự (Bến Tre), cây Bạch Mai tại chùa Viên Giác (Chợ Lớn – TPHCM), cây Bạch Mai tại lăng Mạc Cửu (Hà Tiên, Kiên Giang). Tổng số cây di sản tại Việt Nam tính đến nay là 514 cây.

No comments:

Post a Comment