17/04/2016


Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và chú giải”
- Bộ sách nhiều công phu và ý nghĩa
          Ánh Nguyệt
          Đây là công trình biên khảo (trọn bộ 2 tập)  của tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên; nội dung ghi chép và chú giải đầy đủ nhất từ trước tới nay về phương ngữ vùng sông nước Nam bộ được tác giả dày công nghiên cứu trên nhiều tài liệu, tập hợp và lĩnh hội từ kiến thức thực tế (gần giống như một quyển từ điển). Bộ sách quý giá trên đã được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn-Chi nhánh Miền Tây Nam Bộ cùng tác giả phối hợp tổ chức ra mắt, giới thiệu ngày 10-4-2016 tại Trường THCS TP.Bến Tre. Bộ sách sẽ góp phần giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về ngôn từ, văn hóa của người Nam bộ từ thời rất xa xưa đến nay.

Một cựu học sinh THCL Kiến Hòa tặng hoa cho tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên

          Đôi nét về tác giả
          Nhà văn Bùi Thanh Kiên sinh ngày 31-12-1941, là người con của quê hương Phú Hưng - TP.Bến Tre, hiện là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre. Trước năm 1975, ông từng là giáo viên giảng dạy môn Văn của Trường Trung học công lập Kiến Hòa (Nay là Trường THCS TP.Bến Tre), sau ngày giải phóng đất nước, ông là giáo viên của Trường THPT Cheguevara - Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam). Từ quá trình học tập, nghiên cứu, ông được công nhận các học vị: Cử nhân Văn khoa tự do, Cử nhân giáo khoa triết học Đông Phương.
Ông không chỉ tham gia giảng dạy tại trường học mà còn nghiên cứu, sáng tác thơ văn. Một số tác phẩm nổi bật của ông đã được xuất bản có thể kể đến như: Đồi mai vùi kiếm (truyện thơ lục bát), Tập thơ đủ thể loại (Đường luật, Thơ mới, Lục bát và có cả Văn tế Đường Phú), các bài khảo luận nhỏ (như:nói lái, trò chơi dân gian)…
Nét đặc sắc của bộ sách “Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và Chú giải”
Có thể nói, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ cực kỳ phong phú về từ vựng, ngữ nghĩa. Theo nhận định của Nhà thơ Thạch Trung - Nguyễn Văn Ẩn “Là đứa con tinh thần được đặc biệt chăm chút, nưng niu, bộ “Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và Chú giải” của Nam Chi Bùi Thanh Kiên có những nét đặc trưng cần thiết để góp phần bổ sung cho những công trình cùng loại của các Nhà biên khảo bậc thầy mở đường khai lối mà ông đã rất mực kính ngưỡng và nuôi chí kế thừa. Đây là một công trình tuy còn khiên tốn về quy mô nhưng khá phong phú, độc đáo về nội dung chất lượng. Tôi tin tưởng rằng công trình này sẽ được đông đảo bạn bè hân hoan tiếp nhận, bởi ai trong chúng ta cũng đều có cùng một tình cảm đậm đà và thiêng liêng với tiếng mẹ đẻ”.
Gửi gắm với độc giả, tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên chia sẻ: “Khi biên soạn quyển sách, chúng tôi chỉ có mục đích trình bày mà không biện giải bất cứ vấn đề gì và cũng không nhắm vào những mục tiêu cao xa như xác định chánh tả hoặc chuẩn hóa mảng từ ngũ đã có sẵn. Đối tượng mà chúng tôi muốn phục vụ là tất cả những ai muốn tìm hiểu về chữ dùng và cách nói của lớp người ra đi mở cõi và đã cùng những cư dân bổn địa hòa hợp với nhau tạo thành một xã hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng cực Nam Tổ quốc. Quyển sách này được soạn ra để phục vụ tuyệt đại đa số độc giả nên được trình bày giản dị, từ dùng dễ hiểu”.

Nội dung và cách lựa từ có: chữ Hán thông dụng phát âm theo cách riêng của các nhà Nho Nam bộ thời xưa, các từ thường dùng cộng với các từ Việt hóa, các từ thuần Việt, các từ phổ thông, mảng từ do hoàn cảnh địa lý mang lại, mảng từ về cây cỏ. chim chóc phổ biến trong đời thường, tiếng lóng do óc khôi hài tạo ra…. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành (lần 1: 1 ngàn quyển). Bộ sách  gồm 2 quyển, mỗi quyển có khổ 16-24 cm, bìa cứng, dày gần 800 trang (500 ngàn đồng/bộ), sách sẽ được giới thiệu rộng rãi hoặc đọc giả liên hệ trực tiếp với tác giả tại Quán chay Nhường Trà, số 538C Nguyễn Đình Chiểu, phường 8, TP.Bến Tre. Điện thoại: 075.2210.442. 

Tac giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên ký tặng sách cho ban đọc - ảnh: Ánh Nguyệt.

No comments:

Post a Comment