18/10/2015


  TRƯỜNG XƯA … THƯƠNG NHỚ                                                                                                            HUỲNH  TẤN KIM KHÁNH
      (Tiếp theo)
7. Thương nhớ trường xưa
         Vào thập niên 90 của thế kỉ trước, một số anh chị em giáo viên Trung học Kiến Hòa đang ở tại Sài Gòn thỉnh thoảng gặp nhau, có khi chừng vài người, tại một góc cà phê để tâm sự và thăm hỏi tin tức bạn bè gần xa.
         Giữa năm 1994, Tam Nhiều, Trần Thanh Sao, Nguyễn Trung Hiếu và tôi có buổi ăn sáng tại Bà Chiểu. Cuối bữa, anh em chung tiền thanh toán (hồi đó còn nghèo, thường phải đóng góp) thì Tam Nhiều tuyên bố bao anh em. Nhưng cuối cùng Tam Nhiều cho biết chính anh Quế (đang ở Đức) thỉnh thoảng gửi ít tiền để anh em có dịp gặp nhau cho vui.
          Trong chúng tôi có người quê ở Mỹ Tho như Tam Nhiều, ở Gò Vấp có Trần Thanh Sao, Nguyễn Trung Hiếu và tôi quê Bến Tre, cùng dạy Trung học Kiến Hòa 5, 7 năm, ngày càng gắn bó: anh chị em đồng nghiệp, học trò, phụ huynh học sinh… Còn ngôi trường thân yêu, hồ Chung Thủy xanh trong, dòng Hàm Luông mênh mang, sông Trúc Giang hiền hòa, vườn cây trái xanh tươi. Riêng tôi, quê gốc ở Mỏ Cày, càng cảm nhận sâu sắc rằng quê hương chính là nguồn mạch tình cảm và tinh thần, trong đó thấp thoáng hình bóng ngôi trường đầy kỷ niệm vui buồn, yêu thương, hòa quyện với bao gương mặt bạn bè, đồng nghiệp qua những tháng năm dài.
            Cho nên bốn người chúng tôi quyết định ngay: tập hợp nhóm Cựu Giáo viên Trung học Kiến Hòa. Sau đó, một số em học sinh cũ gồm Lưu Huỳnh Thống, Phan Nhựt Linh, Võ Thị Kim Vững, Ngô Thị Thanh Thủy, Phan Thị Duyên Hương ngỏ ý được cùng với thầy cô tổ chức họp mặt hàng năm. Chúng tôi bàn bạc: giữa hay cuối năm, thời điểm nào thích hợp; họp tất niên để chào đón tân niên nếu trước mùng 10 tháng Chạp thì có người còn làm việc, còn sau 20 tháng Chạp thì cận Tết quá. Thế là chọn ngày chủ nhật rơi vào khoảng mùng 10 đến 20 tháng Chạp mỗi năm.
            Thấm thoát đã 21 năm rồi. Thầy trò cứ mong đến buổi họp tất niên. 21 lần họp, có điều đã quên, có chuyện còn nhớ, cứ ghi lại đây.
             Lần họp mặt thứ 1 tổ chức ngày 20 - 1- 1995 (20 tháng năm Chạp Giáp Tuất). Anh em quyết định chọn nhà hàng Du lịch Tân Cảng do em Ngô Thị Thanh Thủy làm giám đốc.

                                                THƯ MỜI
        Nhóm Cựu giáo viên và Học sinh trường Trung học Kiến Hòa kính mời:
        ………………………………………………………………………….
            Đến dự buổi họp mặt tại Nhà hàng Du lịch Tân Cảng (dưới chân cầu                                                  Sài Gòn, bên trái) vào lúc 17 giờ ngày 20 tháng Chạp Tết (tức ngày                                                                 20-1-1995)
            Mong các bạn dự họp đông đủ.
                                    TP. Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 12 năm 1994.
                                                TM. Nhóm:
             Nguyễn Trung Hiếu               ĐT 352959 (giờ làm việc)                                                                                    Huỳnh Tấn Kim Khánh   ĐT 392101                                                                                                                   Tam Nhiều                          ĐT 253352                                                                                                                   Trần Thanh Sao                  ĐT 941887
   Phần đóng góp: 30000Đ             
  
                                          GHI NHẬN BUỔI HỌP MẶT
                CỰU GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH TRUNG HỌC KIẾN HÒA                                           
              Ngày 20-1-1995, một số cựu giáo viên và học sinh Trung học Kiến Hòa họp mặt tất niên tại Nhà hàng Du lịch Tân Cảng và thống nhất các điểm sau đây :
1.      Thắt chặt mối quan hệ  thân hữu, tương trợ về mọi mặt giữa các anh chị em.
2.      Thành  lập một số học bổng để hỗ trợ học tập, phát triển tài năng cho con em trong nhóm và trợ giúp trẻ mồ côi tại tỉnh nhà.
3.      Vận động anh chị em đóng góp phương tiện để thực hiện hai điểm trên.
4.      Ngày họp mặt hằng năm:
-Tại Sài Gòn : ngày 01-7 (ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu) – sau đổi lại từ 10 đến 20 tháng Chạp.
-Tại Bến Tre: ngày 28-12 (giỗ cô Trần Thị Sinh).
      5.  Liên lạc tạm thời:
                 - Tại Sài Gòn :
  * Cựu giáo viên :
                     + Nguyễn Trung Hiếu, 184 Nguyễn Chí Thanh, Q.10, ĐT 352959 (giờ làm việc)
+ Huỳnh Tấn Kim Khánh, ĐT 392101 (ngoài giờ làm việc)
  *Cựu học sinh:
     +Phan Nhựt Linh,196 Pasteur, Q.1, ĐT 295890 (giờ làm việc)
+ Dương Thành Tâm, ĐT 751606 (ngoài giờ làm việc).

-         Tại Bến Tre:
+ Lê Văn Hoàng  ĐT: 017522135 (giờ làm việc), 017521015 (ngoài giờ làm việc).

 Tiếp theo là danh sách 70 thành viên gồm 25 thầy cô ngụ tại Bến Tre, 23 thầy cô ngụ tại Sài Gòn và 22 học sinh - buổi họp này gồm 54/70 thành viên có mặt.
 Gặp nhau, mừng vui đến ứa nước mắt. Từ 1975 đến 1995 – hai mươi năm xa cách, quãng thời gian không hề ngắn của một đời người. Bên bờ sông Sài Gòn, hai dãy bàn xếp hình chữ U, từng dáng hình thân thương ngồi kế tiếp nhau. Mặt sông lấp loáng ánh đèn, những làn gió mát nhè nhẹ rồi lành lạnh về khuya dường như chưa làm dịu độ nồng nàn của tâm tình. Những ly bia thì mau cạn nhưng các đĩa thức ăn thì chưa vơi, vẫn trò chuyện, vẫn tâm sự. Không lẫn vào đâu là giọng hùng hồn của Huỳnh Minh Đức, lời lẽ chậm rãi của Tam Nhiều, giọng sôi nổi của Trần Quang Mân, lời nhiệt tình của Trần Thanh Sao cùng một số cựu học sinh. Các bạn bàn bạc, tìm cách phát triển Nhóm Cựu giáo viên – Học sinh Trung học Kiến Hòa cho lớn hơn, hoạt động mạnh hơn, thầy trò Bến Tre từ muôn nơi sẽ quy tụ đầy đủ hơn.

 Lần họp mặt thứ 2  ngày 8-2-1996 nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Ất Hợi, cũng được tổ chức tại Nhà hàng Du lịch Tân Cảng với 80 thành viên tham dự. Phiếu chi còn giữ như sau.

Phiếu chi
- Tiệc nhà hàng                      :                       2.624.000 đ
- Bồi dưỡng phục vụ             :                            56.000 đ
- Bồi dưỡng nhạc công        :                            30.000 đ
                                                                   ____________
                                                                       2.710.000 đ
 Trả nhà hàng                          :                      2.210.000 đ
                                                                   ___________
              Còn thiếu:                                                       500.000đ
( Số tiền 500.000 đ còn thiếu thì em Ngô Thị Thanh Thủy biếu luôn, kể như phần  đóng góp của Thủy).

 Lần họp này đông vui hơn. Có thêm một số anh chị giáo viên tham dự, sau trở thành những thành viên nòng cốt trong ban liên lạc. Đó là chị Nguyễn Thị Lan, anh Đỗ Quang Hạnh,…
 Giữa lúc Tam Nhiều lia máy video, ông xã của em Kim Vững chụp ảnh liên tục, thì Trần Thanh Sao bắt giọng hò lơ “Yêu em anh biết để đâu – Để đầu xe lửa lâu lâu bóp còi”, Nguyễn Phong Cảnh thì “…Chúc cô chúc cậu giàu sang, giàu sang giàu sang phú quý… Trên đầu cậu xức dầu thơm, dầu thơm…” Riêng Nguyễn Cao Kiêm say sưa kể thiên tình sử của mình: “Bóng dáng yêu kiều tha thướt của cô giáo mới về trường vừa xuất hiện, tôi bị hút hồn ngay lập tức và tự nhủ lòng: “Phải cưới cho được cô ấy. Giả dụ cô ấy đã có người yêu, mình sẽ kiên trì… Nếu đã có chồng, hãy đợi đến khi chồng cô ấy mất, mình sẽ cưới cho bằng được cô ấy.” (là cô Chiếu Trinh đó!).

Lần họp mặt thứ 3 và những lần tiếp theo lần lượt tổ chức tại nhà hàng Phong Lan, ba kỳ ở Thorakao, rồi Câu lạc bộ Lan Anh, Nhà Văn hóa Quận 5, Quận 10… Đến lần thứ 16 trở đi là tại hội quán Nhường Trà.
“Trải qua hai cuộc họp mặt tất niên trong khuôn viên nhà hàng nhỏ hẹp ở Quận 10 không mấy ấn tượng, thầy trò trường ta bắt đầu một chuỗi hội ngộ mới ở quán chay Nhường Trà (đường Nguyễn Đình Chiểu – TP. Bến Tre) là cơ ngơi của một tấm lòng sâu nặng với thầy bạn trường ta. Qua mấy năm họp mặt ở Nhường Trà vừa rồi, mong rằng nơi đó đã trở thành hội quán lâu dài của thầy trò trường ta. Nhường Trà chỉ cách ngôi trường xưa bên hồ Chung Thủy một con đường ngắn ngủi: đi bộ qua ngã tư Quốc Tế rồi qua khỏi cầu Cá Lóc một đỗi là tới nơi… Từ Nhường Trà hay nói láy là Nhà Trường cũng hàm ý từ đó thầy trò ta đã qua thời “10 năm tình lận đận” với những cuộc họp xa: từ trưa phải đi, đến nửa đêm phải về... Và khi về đến nhà …với giấc ngủ muộn màng, đọng đầy kỷ niệm rất đông vui, ngọt ngào…”
                                              (Hình dung những cuộc họp mặt ngần ấy năm.
        S. Thống. Hồ Chung Thủy, Tập 1, Xuân Quý Tỵ 2013. NXB Hội Nhà văn, t.7)
Suốt 21 năm, tôi cứ bị các bạn đồng nghiệp “ra lệnh” và các em trong Ban Liên lạc “chỉ định”  đọc lời khai mạc. Nói thì dở mà từ chối lại không được. Xin trích lại vài lần phát biểu.

Lần họp mặt thứ 10  (2004)
“…Người xưa gặp nhau chỉ cần:
                                Cầm tay hỏi hết xa gần,
               Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
                                                   ( Nguyễn Khuyến)
“Cầm tay biểu hiện tình thân thiết. Hỏi hết xa gần là muốn biết nhiều việc, chuyện bản thân, chuyện gia đình của bạn. Đây là cử chỉ biểu lộ bên ngoài. Còn mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can để an tâm là tuổi bạn tuy khá cao nhưng tinh thần vẫn khang kiện. Đây là tâm ý tha thiết bên trong. Chúng ta hôm nay cũng không khác người xưa mấy. Suốt cả năm dài, chúng ta mong mỏi gặp nhau để chuyện trò. Đặc biệt, để tưởng niệm những người đã mất. (Hai tuần trước, chúng ta vừa tổ chức – theo lệ thường từ 10 năm rồi – lễ giỗ cho mấy mươi thầy cô đã quá cố). Gặp nhau thì con đường như ngắn lại, thời gian trôi thật nhanh mà tâm sự ban bè như vô cùng vô tận... Con những người bạn ở xa, ít có dịp hội ngộ để chung vui, chia sẻ tâm tình thì tuy xa mặt vẫn không cách lòng, vài dòng e-mail, một cú điện thoại, cánh thư ngắn thăm hỏi nhau đã đủ ấm lòng nhau.
            ……
            “Còn các em học sinh, mấy mươi năm rồi, thầy cô luôn cảm nhận những tình cảm đáng trân trọng ở các em là lòng quý trọng thầy cô, yêu mến bạn bè, luyến lưu trường lớp…như tâm tình của một em học trò lớp đệ nhứt A3 qua mấy dòng thơ chân chất đến não lòng trong báo xuân nhà trường năm 1970:
                        Rồi phải có một ngày từ giã
                        Thầy nầy, bạn nầy, hàng ghế nầy ấp ủ, dìu dắt lớp đi sau
                        Nghẹn ngào những  giọt nước mắt rơi trên má xuống bờ môi mằn mặn
                        Các bạn hãy thương nhau rồi cho nhau nhiều kỷ niệm
                        Hãy vuốt ve bảng đen, vách tường vôi hay đi dạo ở sân trường
                        Để nhớ từng gốc cây có hoa vàng thẫm hay có sắc hồng
                        Hãy kính yêu thầy thêm chút nữa                                                      
                      Để mai nầy mãi mãi sẽ xa nhau…”
                                                                     (Quý – IA3)

Lần họp mặt thứ 19  (2013)
         “Hôm nay, chúng ta vui mừng họp mặt năm mới Quý Tỵ đầy niềm vui. Đã mười chín năm qua kể từ khi thành lập (1994), Nhóm Cựu Giáo viên – Học sinh Trung học Kiến Hòa vẫn họp mặt đều đặn hằng năm vào một ngày giữa tháng Chạp để cùng ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào dưới mái trường xưa với bao nụ cười rạng rỡ xen lẫn những giọt nước mắt yêu thương.
         “Kỷ niệm thì vẫn nguyên vẹn cho dù chừng như nửa đời người đã trôi qua, từ ngày các em còn cắp sách đến trường Trung học Kiến Hòa ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Từng hình ảnh của ngày xưa lần lượt hiện về trong tâm tưởng…Giờ tan học, áo trắng học trò tràn ngập cổng trường như đàn bướm lượn quanh hồ Chung Thủy. Những chàng trai ôm ấp mộng tương lai, những cô gái xỏa mái tóc dài, mắt môi không trang điểm…Ôi bao thiên thần thuần khiết! Dù ngày ấy mộng mơ của tuổi trẻ có võ vàng ít nhiều giữa quê hương bom rơi đạn nổ, các em vẫn đi tìm một màu xanh hy vọng, hy vọng quê nhà im tiếng súng, đất nước lại thanh bình. Và cái đáng trân trọng chính là tình yêu gia đình, lòng yêu quý thầy cô, thương mến bạn bè, luyến lưu ngôi trường của một thời hoa niên thân ái…
           “Còn những giọt nước mắt, bao nụ cười sum họp thì không thể phai nhòa.Vẫn nhớ như in buổi họp tối năm nào tại Nhà hàng Du lịch Tân Cảng, cô giáo Trần Thị Thủy Anh – người học trò cũ – đã ôm chầm thầy Phan Hồng Lạc mà nức nở: “Hai mươi năm cách biệt rồi, thầy ơi!” Vẫn nhớ năm 2008, đêm lửa trại Bình Châu quây quần hàng trăm thầy trò…, bao giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi – giờ ở lứa tuổi 50 – dâng trào khi gặp lại thầy Trần Kim Quế sau mấy chục năm xa cách. Cảm động biết bao, gần cuối bữa ăn tối, thầy Trần Thanh Sao cùng vài học trò bị lỡ đường đến trễ. Càng cảm động hơn khi biết thầy Trương Thành Nghĩa đã đón mấy chuyến xe mới đến kịp. Rồi ánh lửa trại bừng lên theo từng lời hô của thầy Đỗ Quang Hạnh: “Trời ta, ta đứng!”, “Đất ta, ta ngồi!” cùng lời ca tiếng hát điệu hò, bao trò chơi do thầy Tam Nhiều, thầy Quế và một số bạn hướng dẫn, đã làm sống lại một thời đã xa…thật hồn nhiên, thật hạnh phúc.Vẫn nhớ những chuyến đi do các em Huỳnh Kỳ Trân, Đặng Thị Kim Liêng tổ chức, những đợt từ thiện do các em Lương Văn Tô My, Võ Thị Kim Vững cùng một số bạn bè lo liệu.
“Còn có người tận phương xa luôn thiết tha nhắn gọi:
            Hỡi bạn bè mái tóc bạc nhiều chưa
            Xin chầm chậm chờ ngày ta gặp lại.
                                    (Thầy Huỳnh Ngọc Diêu)
“Mười chín năm rồi, “kể làm sao xiết muôn vàn” kỷ niệm đã hằng sâu trong tâm khảm, càng nhớ, nhiều càng hiểu, càng yêu hơn. “Cho nên dù muộn cũng phải đến với nhau”. Chúng ta hãy sum vầy với thầy cô, với bạn bè, để chúc phúc cho mỗi thầy cô thân yêu, mỗi bạn bè thân mến trong dịp Tết đến xuân về.”

Lần họp mặt thứ 20  (2014)
“Buổi họp mặt hôm nay kỷ niệm đúng 20 năm hoạt động của Ban Liên lạc Cựu giáo viên – Học sinh Trung học Kiến Hòa. 1994 đến 2014, một thời đủ đầy hồi tưởng cho thầy trò chúng ta.
“Trong dòng chảy của đời người ngắn ngủi, chúng tôi cảm nhận sâu sắc một nhu cầu tình cảm không thể thiếu được, đó là tình bạn bè, đồng nghiệp. Và suốt cả năm dài các anh chị em lớn tuổi chúng ta mong mỏi gặp mặt nhau để chuyện trò. Từ những mẫu chuyện của đời sống đến bao điều trải qua, bao khúc quanh của thời cuộc, những vất vả lo toan của cuộc sống, cả những suy nghiệm, ước mong…Để cùng nhận ra rằng tình bạn ngày càng bền chặt, nồng thắm khôn nguôi:
Lũ chúng mình như hoa bèo phiêu dạt       
Vẫn mơ về con bến nước ngày xưa
Dẫu cuộc đời sớm nắng với chiều mưa
Những kỷ niệm như vẫn còn nguyên mới.
                                                    (Thầy Huỳnh Ngọc Diêu)
………….
“Các em học sinh thân yêu, còn nhớ như in trong mấy năm đầu hình thành Nhóm Giáo viên – Học sinh Trung học Kiến Hòa, cứ gần đến cuối năm cũ, các em đều rộn ràng chuẩn bị mọi thứ, báo tin cho thầy cô, bạn bè và đón mừng các bạn từ Bến Tre lên. Để tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả trong một tối ngắn ngủi, rồi lại chia tay với bao nỗi lưu luyến, bồi hồi. Ngoài việc tổ chức tất niên suốt 20 năm liên tục, các em còn lo cúng giỗ những thầy cô quá vãng, thăm nom các thầy cô đau yếu, tổ chức các buổi du ngoạn, hội trại. Đặc biệt, các em còn tổ chức bao đợt cấp phát học bổng cho học sinh, nhiều chuyến cứu trợ, từ thiện tại quê nhà…
 “Giờ đây, thầy cô thật vui khi nhìn các học sinh bé nhỏ của mình ngày xưa đã thực sự trưởng thành và vững vàng trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Đôi khi còn cảm nhận thật rõ: học trò của mình giờ trở thành niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho thầy cô. Chính các em đã hoàn thành những ước mơ, hoài bão cả một đời của thầy cô…
  “Thưa các bạn đồng nghiệp và các học sinh thân yêu.
  “Thi hào Tagore đã từng viết: Hãy rót đầy ly cho nhau nhưng đừng uống chung một ly. Nhưng hôm nay xin đề nghị: “Hãy rót đầy ly và cùng uống chung một ly”. Đây chính là ly rượu ấm nồng hương vị ngọt ngào tình cảm thầy trò trong buổi họp mặt hôm nay.
  “Chúc tất cả đón nhận vô vàn niềm vui và hạnh phúc trong năm mới.”….
               Loạt bài Trường xưa…thương nhớ  xin tạm dừng. Những đoản văn với các tiêu đề Về trường, Năm dạy học đầu tiên, Một lễ phát thưởng còn nhớ mãi, Mùa thi đáng quên, “Thư tình học trò” và “Thì thầm trong đêm’’, “Gió qua sông”, Nghĩa nặng tình sâu, Thương nhớ trường xưa với bao hình ảnh, hồi ức khi đứt khi nối, được chuyển tải bằng tâm tình sâu nặng, chân thật của người viết. Nhưng kỷ niệm về ngôi trường xưa thân yêu không chỉ có thế thôi. Mong được đọc bao tâm sự ngọt ngào, tha thiết khác sẽ lần lượt hiện lên những trang blog của hội quán Nhường Trà….

                                                                                                                             

No comments:

Post a Comment