09/02/2015

            Nghệ nhân phong lan Kim Tuấn

            Phan Lữ Hoàng Hà

            Anh Nguyễn Kim Tuấn là cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa (1967-1974). Chỉ riêng trong năm 2014, chủ nhân vườn lan Kim Tuấn được vinh danh: Top 100 doanh nghiệp xuất sắc 3 miền, được tặng thưởng qua Chương trình GALA tự hào doanh nhân Việt Nam, top 100 thương hiệu-nhãn hiệu nổi tiếng ĐBSCL và nhiều giải thưởng khác tại TP Hồ Chí Minh, Bến Tre.
            Khởi nghiệp từ lan
            Vườn lan Kim Tuấn rộng chỉ 300 m2, tọa lạc số 133 D1, đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, TP Bến Tre. Anh Trần Minh Tuấn, chủ nhân vườn lan này hiện là Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre, Chi hội trưởng Chi hội Phong Lan. Niềm đam mê với phong lan đã có trong anh từ hơn 40 năm qua, lúc người cha vợ của anh, ông Phan Văn Diên, vốn có một vườn lan nổi tiếng tại xã Bình Phú, vùng ven thị xã Bến Tre từ trước năm 1975.

Anh Nguyễn Kim Tuấn với lan Dendro

          Tại vườn lan này, vợ chồng và đứa con gái của anh, em Trần Thị Minh Châu, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế em không đi làm việc tại các cơ quan mà ở nhà phụ với cha mẹ trồng lan. Sau năm 1995, vườn lan Kim Tuấn lần lươt phát triển với hàng chục chủng loại lan. Cuộc kinh doanh về lan mang lại thu nhập khá cao cho gia đình anh Tuấn cũng bắt đầu vào khoảng thời gian ấy.
            Hôm đến thăm vườn lan Kim Tuấn, tôi bị cuốn hút vào giữa một rừng lan dù nơi đây là một phường ở nội ô TP Bến Tre, ngoài đường xe cộ dập dìu, tiếng còi xe in ỏi suốt ngày.  Anh Trần Minh Tuấn tâm sự: “Trồng lan vừa để thư giãn vừa có kinh tế. Tại đây, một giò lan tôi bán ra từ 50.000 đồng đến vài triệu đồng. Người thích lan, chơi lan bây giờ đủ thành phần, đâu phải người giàu có, ông này bà nọ mới là người chơi lan. Các em học sinh, người chạy xe lôi…, hàng tuần vẫn dành dụm 50.000-100.000 đồng rồi đến đây mua một giò lan. Kiến tha lâu đầy tổ, có em học sinh hiện có trên 100 giò lan để hàng ngày mặc sức thưởng thảm và bận rộn với nó…”
            “Lan mía” Kim Tuấn
            Anh Tuấn dẫn tôi xem một giàn lan thật bề thế của anh, mỗi chậu lan có thân lan cao gần 1 mét, anh nói: “ Lan Dendrobium do tôi…nuôi. Giống lan này được Swartz đặt tên vào năm 1799, là giống lan có đến hơn 1.600 loài nguyên thủy, tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam châu Á và châu Úc. Đây là giống vô cùng phong phú về dạng cây, dạng hoa và điều kiện sinh sống. “Sao ở đây người ta gọi là…”lan mía”?”- ngạc nhiên, tôi hỏi. Anh Tuấn giải thích: “Đó là lời khen ngợi của những người Thái Lan, Đài Loan khi đến tham quan vườn lan của chúng tôi. Nhìn những chậu lan Dendrobium do tôi nuôi, chăm sóc, họ trầm trồ rồi nói lan của tôi trồng tươi tốt với thân lan cao như…cây mía – anh Tuấn tiếp lời – Thật ra các nghệ nhân hoa kiểng ở Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc…, người ta trồng lan còn độc đáo hơn mình nhiều nhưng với lan Dendro của tôi, sở dĩ được họ ví von lan cao như “cây mía” vì tôi tập trung chăm sóc chúng qua nhiều ngày, thường là phải hơn hai năm loại lan này mới phát triển cao 1 mét. Cũng giống như nuôi gà vậy, hàng ngày cứ bắt thằn lằn cho nó ăn thì nó sẽ mập ú nu thôi…”
            Nhiều chủng loại lan khác của vườn lan Kim Tuấn cũng độc đáo không kém. Tại Hội thi hoa lan Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam năm 2006, lan Kim Tuấn – Bến Tre giành trọn bộ huy chương (vàng, bạc, đồng) với huy chương vàng là cây lan Vanda, huy chương bạc là lan Hồ Điệp (Phalaenopsis) và huy chương đồng là lan Vũ Nữ (Oncidium). Tại Hội hoa xuân TP HCM Tết Kỷ Sửu 2009, các nghệ nhân chơi lan ở Bến Tre gởi đến tham gia 45 giò lan thì riêng lan Kim Tuấn đã đoạt 5 giải vàng, 8 giải bạc, 9 giải đồng và 7 giải khuyến khích. Tính đến năm 2014, lan Kim Tuấn được tặng thưởng cả thay 206 giải, 7 bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh và 12 bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre.

Hơn 10 năm qua, anh Trần Minh Tuấn đã tham gia tọa đàm, theo học nhiều khóa trồng phong lan ở TP HCM cũng như tập huấn tại các lớp do các nghệ nhân hoa kiểng người Thái Lan, Đài Loan hướng dẫn. Từ kinh nghiệm, niềm đam mê và nhiệt huyết của anh với phong lan, anh đã được mời vào ban giám khảo tại nhiều cuộc thi hoa lan trong nước; được Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ (Tiền Giang) mời làm giảng viên về bộ môn trồng, chăm sóc phong lan. Tại Bến Tre, dù rất bận rộn với vườn lan của mình nhưng anh luôn tranh thủ đi “truyền nghề” cho mọi người trên khắp ba dãy cù lao trong tỉnh. Đến nay, anh đã dạy 236 lớp trên khắp vùng ĐBSCL, mỗi lớp 50 học viên, thời gian học khoảng 2 tháng rưỡi. Với trên 10.000 học viên mà anh đã góp sức đào tạo, anh là nhân tố tích cực cho đề án 1956 của Chính phủ về đào nghề cho lao động nông thôn.

Anh Nguyễn Kim Tuấn với lan Mocara.

No comments:

Post a Comment