25/02/2015

           Đêm giới thiệu nhạc Huỳnh Thông

            Huỳnh Thanh Quang

Cuộc đời phiêu lãng, dong duổi nhưng nguồn cảm hứng sáng tác âm nhạc như người tình luôn sống bên anh. Tác giả Huỳnh Thông tức Lưu Huỳnh Thống, cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến  Hòa, hiện là giảng viên khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Huỳnh Thông


Đêm giới thiệu nhạc Huỳnh Thông diễn ra vào lúc 19 giờ ngày mùng 6 tết Ất Mùi tại Hội quán Nhường Tra (phường 8, TP Bến Tre). Tác giả Huỳnh Thông cùng gia đình và gần 40 bạn hữu đến dự. Ban tổ chức gồm: Nhà văn Vũ Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban công tác Tây Nam bộ, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Nhạc sĩ Thanh Sử, Trưởng phân hội Âm nhạc, Hội Văn nghệ Bến Tre, Nhà báo Cao Thành Văn và nhà báo Phan Lữ Hoàng Hà.
Nhà văn Vũ Hồng dẫn lời giới thiệu chung về tác giả và 28 bài nhạc tuyển, được Huỳnh Thông viết từ năm 1970 đến nay.
            Tác giả Huỳnh Thông tên thật Lưu Huỳnh Thống, sinh năm 1955, quê xã Thành An, huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Cách đây hơn 40 năm, khi là học sinh Trường Trung học Kiến Hòa Bán công đêm rồi vào học lớp ngày Trường Trung học công lập Kiến Hòa, anh Lưu Huỳnh Thông đã say mê âm nhạc và sáng tác bản nhạc đầu tay năm anh 16 tuổi.
            Cuộc đời phiêu lãng, rong ruổi nhưng nguồn cảm hứng sáng tác âm nhạc như người tình luôn sống bên anh. Trên bước đường thăng trầm đó, những ca khúc anh sáng tác mang đậm dấu ấn tuổi học sinh ở quê nhà – Bến Tre và vùng đất êm đềm, mộng mơ Đà Lạt – nơi anh kết nghĩa với người tình trăm năm, chị Mộng Lương.
           Tác giả Huỳnh Thông có nhiều ấp ủ nhưng phải đến tháng 1 năm 2015 anh mới cho ra đời tập Thơ Nhạc đầu tiên của anh  do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Tập Thơ Nhạc Huỳnh Thông in khổ 21 x 21 cm, 72 trang, minh họa do tác giả trình bày, giá bìa 80.000 đồng.  28 bài Thơ Nhạc gồm: Đồi sim chín, Về phố núi đồi, Chào em cao nguyên, Gió đồi, Giấc ngủ mù sương, Mùa trăng non, Một ngày vui, Thương dáng thông nghiêng, Đồi ơi!, Cung đồi mơ, Thương nhớ quê nhà, Bụi hương xa, Đường về kỷ niệm, Bãi vắng, Bóng đồi, Bằng lòng hạnh phúc, Sóng hương hoa, Chiều rơi trên sông, Mình chia tay, Xuân yêu, Chim ươm gió, Huyền thoại hoa, Chia tay bên hồ, Bông hạnh phúc, Ngày có em qua, Tình tôi tình ai, Xin lỗi thời gian và Thành phố chiều vàng.
Trong đêm giới thiệu tập Thơ Nhạc Huỳnh Thông các giọng ca đã trình bày 5 bản nhạc: Đồi sim chín, Chào em cao nguyên, Xuân yêu, Chiều rơi trên sông và Xin lỗi thời gian.  Tác giả Huỳnh Thông nói về trường hợp sáng tác các bài được giới thiệu:

Nhạc sĩ Thanh Sử giới thiệu quá trình biên tập Tập Thơ Nhạc của Huỳnh Thông


Bài 1. Đồi sim chín (thơ Bùi Giáng – Tác giả trình bày):  Bài này tôi phổ từ bài thơ “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín” của cố thi sĩ Bùi Giáng, in trong tập thơ Bùi Giáng, Lá Bối xuất bản 1973. Năm đó, tôi học lớp 11, chỉ vì một cảm thức bất chợt, khi nắm bắt được mạch nhạc tính trong lời thơ khắc họa rất dung dị  hình tượng “anh lùa bò…” và cả “lũ bò” đều cùng mong muốn riêng tư là được thong dong tự tại cùng đất trời thiên nhiên … Vào năm ông mất, tôi hối tiếc vì mối giao cảm “vô duyên” của tôi với ông, nên chợt nảy ý mạo phạm rút gọn tựa bài, vì bây giờ không còn “anh lùa bò” nữa mà chỉ còn lại “Đồi sim chín” thôi, xin hương hồn ông lượng thứ.  Bởi dù sao, tôi đã phổ nguyên thể cấu tứ và lời thơ, chỉ thêm thắt giai điệu luyến lái và biến thể cung bậc, tiết tấu để đặc tả phong thái phóng khoáng của ông. … Bài nhạc này tôi nhớ đã phổ trong một buổi chiều đang mùa thi “đệ nhị lục cá nguyệt” và Trần Thanh Tuyên, một người bạn thân tình vừa qua đời cùng với biệt danh “lữ khách”, cũng là giọng hát chính của nhóm nhạc Hương Sống, là người được nghe tôi hát đầu tiên, vì Tuyên  luôn quí mến và khích lệ tôi… Nhiều năm qua, tôi vẫn hay hát bài này mỗi khi có dịp vui vẻ với bạn bè, với ngụ ý lý giải một góc nhìn phong thái thơ của Bùi Giáng mà theo cảm thức của tôi là “nửa tỉnh, nửa ngộ và như điên”…  Với bài này, tôi xin tự nhận là một ưng ý riêng trong vốn liếng ca khúc sáng tác thơ nhạc của riêng mình…

            Bài 2. Chào em cao nguyên (Tác giả tự biên tự diễn): Bài này tôi  viết tặng chung những chân dung, dáng dấp khả ái của nữ sinh Bùi Thị Xuân, từ những ấn tượng và cảm xúc đầu tiên, khi mới đến Đà Lạt vào năm học lớp 12 thi tú tài IBM 1974… Và một trong số nữ sinh “được chào…” từ thuở ấy, có một người…  cuối cùng đã chấp nhận tôi làm bạn đường từ ngày 30.4.1980, đến nay tròn 35 năm, cũng là năm cả hai cùng tuổi đáo tuế… và sắp sửa có 3 cháu ngoại ở hải ngoại và 2 cháu nội ở nội địa…

Bài 3. Xuân yêu  (thơ Cao Thành Văn– Ngọc Hương trình bày): Bài này được phổ từ bài thơ “Lời buồn mùa xuân” của Cao Thành Văn, cùng học lớp 11B2 trường THCL Kiến Hòa, niên khóa 1971-1972. Dạo đó, Văn được bạn bè ngưỡng mộ không chỉ vì học giỏi, cá tính điềm đạm, mà còn vì những bài thơ và truyện ngắn nhẹ nhàng “như Võ Phiến”, phổ biến trong tập san Đồng Vọng do Văn và Đặng Nhựt Linh cùng thành lập với hơn 10 tay bút cộng tác là thành viên… Cảm nhận bài thơ có nhiều ngụ ý tinh tế từ mùa xuân, tôi bèn phổ nhạc để làm phụ bản cho tờ báo xuân “Dáng Mai” của lớp 11 ban B, sinh ngữ Pháp duy nhất ở trường lúc đó… Bài này được Nguyệt Hạnh, trưởng nhóm Hương Sống trình bày đơn ca trong buổi Văn nghệ Tết 1973. Đó cũng là “Lời buồn mùa xuân” của tôi năm ấy, khi tôi ấp ủ mộng “ly hương”, chia tay bạn bè và trường lớp thân yêu để lên Đà Lạt học thi tú tài IBM 1974… Rồi trong đêm nay, sau 42 năm ròng, tựa bài được đổi thành “Xuân yêu” chỉ vì tôi và Văn đều đồng cảm muốn trút đi nỗi buồn xuân xưa…  Và người trình diễn bài này lần thứ 2, chính là người bạn đường của Cao Thành Văn,  chị sẽ thể hiện được trọn vẹn rất nhiều những ca từ về mùa xuân mà cuối cùng đều đồng qui về ý niệm “xuân yêu” và “yêu xuân” … mà chính Văn đã thêu dệt nên một chuỗi ca từ vê “xuân” thật bình dị và lạ thường đến thế.

Bài 4. Chiều rơi trên sông (thơ Trà Giang ):  Tôi quen Trà Giang vào buổi khởi đầu làm “sách liên kết” từ năm 1986… và phổ bài thơ “Khi em nói quê em” của Trà Giang để được đăng báo Xuân của Hội Văn Nghệ An Giang 1988, năm sau đó là bài “ Đừng tiễn đưa”… Nhớ lại, nhờ Trà Giang mà lần đầu tiên tôi có một góc nhỏ nơi bìa báo xuân của Hội Văn Nghệ An Giang dạo ấy… Rồi thời gian trôi đi, tôi bỏ dỡ việc biên dịch tiểu thuyết tiếng Pháp, nên không có dịp gặp lại Trà Giang, chỉ thăm hỏi tin qua bạn bè, cho đến nay khi tập nhạc  Thơ Nhạc này in xong tôi mới gặp lại Trà Giang để ký tặng… Trong quãng  thời gian thực hiện bản thảo tập nhạc này, tôi ngẫu hứng đổi tựa 2 bài của Trà Giang là “Chiều rơi trên sông”  và “Mình chia tay”, trích ca từ  do tôi viết thêm, và vì điều này mà tôi phải xin lỗi và được Trà Giang hài lòng… bởi cấu tứ và lời thơ của Trà Giang tôi vẫn giữ nguyên vẹn.

Bài 5. Xin lỗi thời gian (thơ Vũ Hồng ): Tôi quen thân Vũ Hồng vài năm nay, đúng lúc tôi rất mong được cơ hội in tập nhạc kỷ niệm, đã non nửa thế kỷ mà những bài nhạc của tôi vẫn còn nằm đó chờ thời ! Và Vũ Hồng đã giúp tôi thực hiện cơ hội in ấn tập nhạc này với 28 bài và trong đó có 3 bài thơ của Vũ Hồng, tôi từng đọc, nhớ loáng thoáng và nay mới có dịp để phổ để đăng vào tờ báo xuân Hồ chung thủy của Ban liên lạc cựu GVHS trung học Kiến Hòa, mà tôi là một thành viên làm văn nghệ - báo chí… Cả 3 bài này tôi cũng chọn ca từ chính để đặt tựa thay cho tựa thơ và cũng giữ nguyên lời thơ mà Vũ Hồng cũng rất hài lòng. Nghĩ lại cái duyên với thơ và nhạc của tôi đã đến lúc cần được tiếp bồi…

Đêm giới thiệu nhạc Huỳnh Thông kết thúc lúc 21 giờ trong không gian đầm ấm, vấn vương.
Chị Ngọc Hương trình bày một ca khúc do Huỳnh Thông phổ thơ của Cao Thành Văn


Các bạn hữu đến dự đêm nhạc.


09/02/2015

            Nghệ nhân phong lan Kim Tuấn

            Phan Lữ Hoàng Hà

            Anh Nguyễn Kim Tuấn là cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa (1967-1974). Chỉ riêng trong năm 2014, chủ nhân vườn lan Kim Tuấn được vinh danh: Top 100 doanh nghiệp xuất sắc 3 miền, được tặng thưởng qua Chương trình GALA tự hào doanh nhân Việt Nam, top 100 thương hiệu-nhãn hiệu nổi tiếng ĐBSCL và nhiều giải thưởng khác tại TP Hồ Chí Minh, Bến Tre.
            Khởi nghiệp từ lan
            Vườn lan Kim Tuấn rộng chỉ 300 m2, tọa lạc số 133 D1, đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, TP Bến Tre. Anh Trần Minh Tuấn, chủ nhân vườn lan này hiện là Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre, Chi hội trưởng Chi hội Phong Lan. Niềm đam mê với phong lan đã có trong anh từ hơn 40 năm qua, lúc người cha vợ của anh, ông Phan Văn Diên, vốn có một vườn lan nổi tiếng tại xã Bình Phú, vùng ven thị xã Bến Tre từ trước năm 1975.

Anh Nguyễn Kim Tuấn với lan Dendro

          Tại vườn lan này, vợ chồng và đứa con gái của anh, em Trần Thị Minh Châu, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế em không đi làm việc tại các cơ quan mà ở nhà phụ với cha mẹ trồng lan. Sau năm 1995, vườn lan Kim Tuấn lần lươt phát triển với hàng chục chủng loại lan. Cuộc kinh doanh về lan mang lại thu nhập khá cao cho gia đình anh Tuấn cũng bắt đầu vào khoảng thời gian ấy.
            Hôm đến thăm vườn lan Kim Tuấn, tôi bị cuốn hút vào giữa một rừng lan dù nơi đây là một phường ở nội ô TP Bến Tre, ngoài đường xe cộ dập dìu, tiếng còi xe in ỏi suốt ngày.  Anh Trần Minh Tuấn tâm sự: “Trồng lan vừa để thư giãn vừa có kinh tế. Tại đây, một giò lan tôi bán ra từ 50.000 đồng đến vài triệu đồng. Người thích lan, chơi lan bây giờ đủ thành phần, đâu phải người giàu có, ông này bà nọ mới là người chơi lan. Các em học sinh, người chạy xe lôi…, hàng tuần vẫn dành dụm 50.000-100.000 đồng rồi đến đây mua một giò lan. Kiến tha lâu đầy tổ, có em học sinh hiện có trên 100 giò lan để hàng ngày mặc sức thưởng thảm và bận rộn với nó…”
            “Lan mía” Kim Tuấn
            Anh Tuấn dẫn tôi xem một giàn lan thật bề thế của anh, mỗi chậu lan có thân lan cao gần 1 mét, anh nói: “ Lan Dendrobium do tôi…nuôi. Giống lan này được Swartz đặt tên vào năm 1799, là giống lan có đến hơn 1.600 loài nguyên thủy, tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam châu Á và châu Úc. Đây là giống vô cùng phong phú về dạng cây, dạng hoa và điều kiện sinh sống. “Sao ở đây người ta gọi là…”lan mía”?”- ngạc nhiên, tôi hỏi. Anh Tuấn giải thích: “Đó là lời khen ngợi của những người Thái Lan, Đài Loan khi đến tham quan vườn lan của chúng tôi. Nhìn những chậu lan Dendrobium do tôi nuôi, chăm sóc, họ trầm trồ rồi nói lan của tôi trồng tươi tốt với thân lan cao như…cây mía – anh Tuấn tiếp lời – Thật ra các nghệ nhân hoa kiểng ở Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc…, người ta trồng lan còn độc đáo hơn mình nhiều nhưng với lan Dendro của tôi, sở dĩ được họ ví von lan cao như “cây mía” vì tôi tập trung chăm sóc chúng qua nhiều ngày, thường là phải hơn hai năm loại lan này mới phát triển cao 1 mét. Cũng giống như nuôi gà vậy, hàng ngày cứ bắt thằn lằn cho nó ăn thì nó sẽ mập ú nu thôi…”
            Nhiều chủng loại lan khác của vườn lan Kim Tuấn cũng độc đáo không kém. Tại Hội thi hoa lan Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam năm 2006, lan Kim Tuấn – Bến Tre giành trọn bộ huy chương (vàng, bạc, đồng) với huy chương vàng là cây lan Vanda, huy chương bạc là lan Hồ Điệp (Phalaenopsis) và huy chương đồng là lan Vũ Nữ (Oncidium). Tại Hội hoa xuân TP HCM Tết Kỷ Sửu 2009, các nghệ nhân chơi lan ở Bến Tre gởi đến tham gia 45 giò lan thì riêng lan Kim Tuấn đã đoạt 5 giải vàng, 8 giải bạc, 9 giải đồng và 7 giải khuyến khích. Tính đến năm 2014, lan Kim Tuấn được tặng thưởng cả thay 206 giải, 7 bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh và 12 bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre.

Hơn 10 năm qua, anh Trần Minh Tuấn đã tham gia tọa đàm, theo học nhiều khóa trồng phong lan ở TP HCM cũng như tập huấn tại các lớp do các nghệ nhân hoa kiểng người Thái Lan, Đài Loan hướng dẫn. Từ kinh nghiệm, niềm đam mê và nhiệt huyết của anh với phong lan, anh đã được mời vào ban giám khảo tại nhiều cuộc thi hoa lan trong nước; được Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ (Tiền Giang) mời làm giảng viên về bộ môn trồng, chăm sóc phong lan. Tại Bến Tre, dù rất bận rộn với vườn lan của mình nhưng anh luôn tranh thủ đi “truyền nghề” cho mọi người trên khắp ba dãy cù lao trong tỉnh. Đến nay, anh đã dạy 236 lớp trên khắp vùng ĐBSCL, mỗi lớp 50 học viên, thời gian học khoảng 2 tháng rưỡi. Với trên 10.000 học viên mà anh đã góp sức đào tạo, anh là nhân tố tích cực cho đề án 1956 của Chính phủ về đào nghề cho lao động nông thôn.

Anh Nguyễn Kim Tuấn với lan Mocara.