15/01/2015


            Chuyện lớp tôi ngày xưa

            Thầy Văn Ngọc Khôi

            Người thầy kính mến không bao giờ quên: Thầy Phan Văn Sáu

Minh họa: S .Thống.

            Ơn thầy vời vợi non cao
            Học trò khắc cốt ghi sâu suốt đời (?)
            Thầy dạy lớp tôi năm đệ tứ(1958-1959) môn Pháp Văn, thầy là một trong số thầy cô tận tâm bậc nhứt mặc dù có một thời gian thầy bịnh nặng và nghỉ dạy một lúc lâu.
            Ai từng học với thầy đều không quên câu: “Allez, aux genoux! Suivant! Suivant!...”.
            Học với thầy là điều may mắn lớn và phải học thật chu đáo, chăm chỉ…vì nếu chậm chạp, sơ sót thì sẽ nhận được câu trên. Với một câu, thầy hỏi nhiều mặt khác nhau…Vì vậy, chỉ có học kỹ mới vượt qua nổi. Bầu không khí lúc nào cũng sôi động, không bao giờ trầm lắng…Đặc biệt là lúc học các bài ngụ ngôn của La Fontaine, thầy nhập vai con chồn hay con sói…và khi trả bài ta cũng phải thể hiện giống vậy. Nếu không, thầy nạt lớn “loup mà vậy hả?” rồi thây xô qua một bên và bắt đầu ngôn ngữ giận dữ của “ loup” đối với cừu non.
            Thầy muốn mình học kỹ, hiểu rõ nên đôi lúc thầy rất nóng tính. Thầy thương, lo cho học trò, nên dạy kỹ và rất nghiêm khắc. Nếu chậm trả lời thì “Allez, aux genoux”. Đôi khi, có những chuyện không nín cười được khi một bạn chậm chạp thì thầy nói to với cả lớp: “Tụi bây coi đó! Bây giờ nó biểu tao chờ nó ra chợ uống ly nước chanh!”. Hoặc: “Anh Hai ơi! Coi nó đó!”. Thầy dạy dùng động từ khi nào có “de” khi nào không một lần, có bạn vừa nói xong, thì thầy nói to với cả lớp “Bây coi đó! Chỗ đó mà khi không nói…xáng chữ “đờ” vô chi tế mẹ tao hả?!”.
            Sau này, khi chuyển sang học lớp đệ tam ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, hầu hết chúng tôi đều ở tốp đầu.
            Một số kiểu thức của thầy, sau nầy, tôi áp dụng trong các lớp của mình cho dù đó là lớp tiếng Anh(thầy không hề nói gì về bản quyền phương pháp sư phạm). Một nén nhang thơm kính dâng thầy.
            Quì gối:
            Không phải quì dưới sàn như hồi tiểu học mà quì trên băng ngồi. Nhiều ông tồng ngồng thật mà mắc cười!
            Thầy trò cãi nhau “vì ngôn ngữ bất đồng”:
            Hai khóa đầu của Trường Trung học Bến Tre, chúng tôi phải làm quen với nhiều thầy miền Bắc, Trung với nhiều từ xa lạ, nhiều giọng điệu khác biệt đối với đám nhỏ nhà quê chúng tôi. Quả là nhiều bỡ ngỡ lắm.
            Chuyện là… Hôm ấy, giờ địa lý của thầy Trần Đại Khâm(dường như còn là sinh viên). Bài học đã xong, đến phần vẽ bản đồ. Cả lớp đang làm… Thầy Khâm nói: “Em Hà(chị lớp trưởng), thầy nhờ tí!”. Chị Hà dạ rồi nhanh nhẹn đi ngay… Một chặp, chúng tôi đang vẽ thì nghe thầy Khâm nói to: “Ối giời ơi! Thầy bảo em mua sắn mà sao em lại mua củ đậu” Chị Hà nói: “ Thầy biểu em mua sắn thì em mua sắn, sao thầy lại nói vậy?”
            Thầy trò hai người “kẻ nói gà, người nói vịt”, chị Hà không cho là mình có lỗi.
            Một chặp, thì tôi xin phép được nói(nhờ vào năm đệ thất và đệ lục tôi đọc khá nhiều sách của Tự lực văn đoàn). Nghe xong, thầy Khâm lẩm bẩm: “Khoai mì hở? Khoai mì, khoai mì…”. Sau này, có lúc nào đó, chị Hà sẽ nhớ lại chuyện này nhưng không biết thầy Khâm có còn ở cõi ta bà này không hay đã đi chơi xa đâu đó rồi!
            Khai quật bài thơ chôn vùi 55 năm:
            Bữa đó, thầy Trần Minh Trung vừa phạt bạn Trương Văn Du(đâu miệt vườn thánh thất) và thầy nói thầy đau lòng vì vừa cấm túc bạn Du cách đây vài hôm. Tôi lấy giấy viết những câu thơ và đưa cho bạn Lê Van7 Hoang. Rồi ngày qua, qua đi, qua đi…(xin phép nhà thơ Phạm Thiên Thư).
            Rồi cách một năm trước, họp mặt ở hội quán Nhường Trà, bạn Hoàng đưa tôi một miếng giấy nhỏ và hỏi có nhớ gì không. Tôi nói quen quen mà không biết ai viết dù còn nhớ bạn Du. Đáp: “Của ông đó!”.
            Bài thơ như sau:
            Ghẹo bạn Du(mượn lời thầy T.M.T)
            Tôi đã còng – sin chú Trương Du
            Lòng tôi đau xót chẳng gì bù
            Buổi học hôm qua tôi còn nhớ
            Tôi đã còng – sin chú Trương Du(1957, đệ lục).

            Ôi! Ước gì có ngày nào đó, tôi được gặp “Chú Trương Du” để “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?”

No comments:

Post a Comment