28/01/2015
Xuân về, Thầy – Trò lại gặp nhau
Huỳnh Tấn Kim Khánh
Hôm nay, xuân đã về, chúng ta sắp họp
mặt Tất niên lần thứ 21 năm Giáp Ngọ 2014, đón chào tân niên Ất Mùi 2015 của
Nhóm Cựu Giáo viên – Cựu Học sinh Trung học Công lập Bến Tre.
Trong giây phút đặc biệt này, trước hết,
chúng ta cùng tưởng nhớ hơn 60 thầy cô của trường, từ thầy Nguyễn Văn Trinh –
hiệu trưởng đầu tiên – đến cô ba Sinh, gần đây là cô Hạnh, thầy Trọng, thầy Hiếu,
những thầy cô yêu dấu đã mãi mãi đi xa.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều niềm vui sum
họp đọng lại trong suốt năm qua mà chúng ta không thể nào quên. Ngoài một số lần
họp của những khóa học do các em cựu học sinh tổ chức, có thể nhắc lại những buổi
họp mặt do Ban Liên lạc hoặc do thầy cô tổ chức sau đây.
* Vừa ra Tết, mới ngày mùng 8, một số
thầy cô và khoảng 50 cựu học sinh du xuân từ núi Tà Cú đến khu Đồi Sứ,
Phan Thiết. Hai đêm lửa trại rồi văn nghệ với những tiếng cười sảng khoái vang
vọng cả bãi biển, đồi thông. Trưa hôm sau, thầy trò cùng chinh phục hải đăng Kê
Gà, ngọn đèn biển sừng sững trên đảo đá cao vút giữa trời nước bao la.
* Vài tháng sau, các thầy cô tổ chức
buổi tiệc mừng thọ cô Tô Thị Lễ 80 tuổi và cô Nguyễn Thị Ngọc Mai 70 tuổi thật ấm
cúng, thật thân tình.
* Rồi Trung thu đến, mừng thầy cô
Nguyễn Đăng Phu trở về. Mọi người xúc động đến rơi nước mắt khi nhận thấy, sau
cơn bạo bệnh, thầy Phu vẫn khỏe như xưa.
* Đến ngày 11/10, khoảng 120 thầy trò
cùng đi Hồ Đắng, ở khu nghỉ mát của Kỳ Trân. Còn nhớ ánh lửa trại bập bùng “nối
vòng tay lớn” làm biển đêm như nổi sóng, những lời ca lúc dìu dặt, lúc ngân vút
đỉnh trời đêm đại dương, hòa làn gió biển lành lạnh, mênh mang.
Trưa hôm sau 12/10, các em tham quan
Vũng Tàu, có dịp thưởng thức món cháo “sơn hào”, thật thú vị biết bao.
* Đến 23/11/2014, suốt một ngày trọng đại, chúng ta kỉ niệm 60
năm – Trường Trung học Công lập Bến Tre qua các thời kỳ. Lễ hội mang ý nghĩa
truyền thống sâu đậm, để lại dấu ấn không phai trong tâm khảm của hơn 500 học
sinh và thầy cô, đại diện cho hàng vạn học sinh đã học tập và hàng trăm giáo
viên từng giảng dạy tại ngôi trường thân yêu này 60 năm qua. Niềm vui còn nhân
lên khi được tin trường ta vẫn tồn tại, vậy là thầy trò vẫn còn chốn dấu yêu để
cùng đi về, họp mặt.
Ngay giây phút
này, các em hãy nhìn rõ nét mặt từng thầy cô: dáng sắc già theo tuổi tác, sức lực
mòn theo năm tháng. Nói thì thêm buồn, thêm thương : gần mười năm rồi, thầy Huỳnh
Minh Đức phải ngồi một chỗ do tai biến, vài năm gần đây, thầy Tăng Tám, thầy Hồ
Văn Trai, thầy Phan Hồng Lạc và một số thầy cô ngụ tại Sài Gòn không về Bến Tre
được để họp mặt với chúng ta vì yếu, vì mệt.
Còn các em thì
sao? Thầy cô có lúc tưởng về năm mươi năm trước, những gương mặt học trò mình
ngây thơ biết bao, xinh đẹp biết bao, đáng yêu biết bao. Mà giờ đây, mái tóc bắt
đầu bạc, gương mặt cũng in vài nếp nhăn. Có em đã là ông nội, là bà ngoại rồi.
Ôi thời gian thật là khắc nghiệt!
-
Xin mở dấu ngoặc kể câu chuyện nhỏ.
Trên chuyến xe về Sài Gòn chiều 23/11, sau lễ kỉ niệm 60 năm thành lập trường,
một em cựu học sinh hỏi cô Lan và tôi rằng mình mới làm lễ hôm nay, vậy còn tổ
chức tất niên vào cuối năm nay nữa không. Tôi khẳng định là có. Em reo lên :
“Vậy tụi em còn dịp gặp thầy cô và bè bạn lần nữa rồi! Mừng quá!”. Nỗi vui mừng
của em làm tôi thật xúc động.
Cho nên có dịp là thầy trò chúng ta gặp
nhau, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi, chuyện trò cho đỡ nhớ nhung – dù giây lát –
cũng quý vô ngần. Mong rằng qua năm sau, Ban Liên lạc hãy tổ chức nhiều buổi họp
mặt càng nhiều càng tốt.
Vài dòng tâm sự, một chút ước mong vừa
giãi bày xong. Nhân dịp xuân về, xin gửi đến mọi người lời chúc dồi dào sức khỏe,
ngập tràn niềm vui trong năm mới.
15/01/2015
Chuyện lớp tôi ngày xưa
Thầy
Văn Ngọc Khôi
Người thầy kính
mến không bao giờ quên: Thầy Phan Văn Sáu
Minh họa: S .Thống. |
Ơn thầy vời vợi non cao
Học trò khắc cốt ghi sâu suốt đời (?)
Thầy dạy lớp tôi năm đệ tứ(1958-1959) môn Pháp Văn,
thầy là một trong số thầy cô tận tâm bậc nhứt mặc dù có một thời
gian thầy bịnh nặng và nghỉ dạy một lúc lâu.
Ai từng học với thầy đều không quên câu: “Allez, aux
genoux! Suivant! Suivant!...”.
Học với thầy là điều may mắn lớn và phải học
thật chu đáo, chăm chỉ…vì nếu chậm chạp, sơ sót thì sẽ nhận được
câu trên. Với một câu, thầy hỏi nhiều mặt khác nhau…Vì vậy, chỉ có
học kỹ mới vượt qua nổi. Bầu không khí lúc nào cũng sôi động, không
bao giờ trầm lắng…Đặc biệt là lúc học các bài ngụ ngôn của La
Fontaine, thầy nhập vai con chồn hay con sói…và khi trả bài ta cũng
phải thể hiện giống vậy. Nếu không, thầy nạt lớn “loup mà vậy hả?”
rồi thây xô qua một bên và bắt đầu ngôn ngữ giận dữ của “ loup” đối
với cừu non.
Thầy muốn mình học kỹ, hiểu rõ nên đôi lúc thầy
rất nóng tính. Thầy thương, lo cho học trò, nên dạy kỹ và rất nghiêm
khắc. Nếu chậm trả lời thì “Allez, aux genoux”. Đôi khi, có những
chuyện không nín cười được khi một bạn chậm chạp thì thầy nói to
với cả lớp: “Tụi bây coi đó! Bây giờ nó biểu tao chờ nó ra chợ uống
ly nước chanh!”. Hoặc: “Anh Hai ơi! Coi nó đó!”. Thầy dạy dùng động từ
khi nào có “de” khi nào không một lần, có bạn vừa nói xong, thì thầy
nói to với cả lớp “Bây coi đó! Chỗ đó mà khi không nói…xáng chữ
“đờ” vô chi tế mẹ tao hả?!”.
Sau này, khi chuyển sang học lớp đệ tam ở Trường
Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, hầu hết chúng tôi đều ở tốp đầu.
Một số kiểu thức của thầy, sau nầy, tôi áp dụng
trong các lớp của mình cho dù đó là lớp tiếng Anh(thầy không hề nói
gì về bản quyền phương pháp sư phạm). Một nén nhang thơm kính dâng
thầy.
Quì gối:
Không phải quì dưới sàn như hồi tiểu học mà
quì trên băng ngồi. Nhiều ông tồng ngồng thật mà mắc cười!
Thầy trò cãi
nhau “vì ngôn ngữ bất đồng”:
Hai khóa đầu của Trường Trung học Bến Tre,
chúng tôi phải làm quen với nhiều thầy miền Bắc, Trung với nhiều từ
xa lạ, nhiều giọng điệu khác biệt đối với đám nhỏ nhà quê chúng tôi.
Quả là nhiều bỡ ngỡ lắm.
Chuyện là… Hôm ấy, giờ địa lý của thầy Trần Đại
Khâm(dường như còn là sinh viên). Bài học đã xong, đến phần vẽ bản
đồ. Cả lớp đang làm… Thầy Khâm nói: “Em Hà(chị lớp trưởng), thầy
nhờ tí!”. Chị Hà dạ rồi nhanh nhẹn đi ngay… Một chặp, chúng tôi đang
vẽ thì nghe thầy Khâm nói to: “Ối giời ơi! Thầy bảo em mua sắn mà sao
em lại mua củ đậu” Chị Hà nói: “ Thầy biểu em mua sắn thì em mua
sắn, sao thầy lại nói vậy?”
Thầy trò hai người “kẻ nói gà, người nói vịt”,
chị Hà không cho là mình có lỗi.
Một chặp, thì tôi xin phép được nói(nhờ vào năm
đệ thất và đệ lục tôi đọc khá nhiều sách của Tự lực văn đoàn).
Nghe xong, thầy Khâm lẩm bẩm: “Khoai mì hở? Khoai mì, khoai mì…”. Sau
này, có lúc nào đó, chị Hà sẽ nhớ lại chuyện này nhưng không biết
thầy Khâm có còn ở cõi ta bà này không hay đã đi chơi xa đâu đó rồi!
Khai quật bài
thơ chôn vùi 55 năm:
Bữa đó, thầy Trần Minh Trung vừa phạt bạn Trương
Văn Du(đâu miệt vườn thánh thất) và thầy nói thầy đau lòng vì vừa
cấm túc bạn Du cách đây vài hôm. Tôi lấy giấy viết những câu thơ và
đưa cho bạn Lê Van7 Hoang. Rồi ngày qua, qua đi, qua đi…(xin phép nhà thơ
Phạm Thiên Thư).
Rồi cách một năm trước, họp mặt ở hội quán
Nhường Trà, bạn Hoàng đưa tôi một miếng giấy nhỏ và hỏi có nhớ gì
không. Tôi nói quen quen mà không biết ai viết dù còn nhớ bạn Du. Đáp:
“Của ông đó!”.
Bài thơ như sau:
Ghẹo bạn Du(mượn lời thầy T.M.T)
Tôi đã còng – sin chú Trương Du
Lòng tôi đau xót chẳng gì bù
Buổi học hôm qua tôi còn nhớ
Tôi đã còng – sin chú Trương Du(1957, đệ lục).
Ôi! Ước gì có ngày nào đó, tôi được gặp “Chú
Trương Du” để “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?”
07/01/2015
Thông báo Họp mặt
Ban liên lạc
cựu Giáo viên và Học sinh Trung học Bến Tre trân trọng kính mời :
Quý Thầy Cô
đã dạy và quý Bạn hữu đã học Trường Trung học Bến Tre/THCL Kiến Hòa/ TH Bán
công đêm/THCL Lạc Long Quân/THPT Nguyễn Đình Chiểu/THPT Bến Tre/THPT Chuyên Bến
Tre về tham dự 2 kỳ họp mặt thường lệ vào cuối năm:
1. Ngày 19-1-2015 (nhằm ngày 29 tháng 11 âm lịch năm Giáp Ngọ):
Ngày Giỗ hội
Thầy Cô và bạn hữu đã mất, đồng thời cũng là ngày Giỗ Cô Ba Sinh, được tổ chức từ 8 giờ đến 12 giờ, tại chùa Bạch Vân, Phường 6, thành phố
Bến Tre.
2. Ngày 1-2-2015 (nhằm ngày 13 tháng Chạp âm lịch năm Giáp Ngọ):
Kỳ họp mặt
toàn thể lần thứ 21 của Ban
liên lạc cựu Giáo viên và Học sinh TH Bến Tre, tổ chức tại Hội quán chay
Nhường Trà, 538C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 8, thành phố Bến Tre, từ 8 giờ đến
12 giờ, như thông lệ hàng năm.
Trân trọng
kính mời và mong đợi được đón tiếp.
TM Ban liên
lạc cựu Giáo viên và Học sinh Bến Tre
Trưởng ban
tổ chức
Lương Văn Tô
My.
02/01/2015
Đáo
tuế đầu tiên ở hội quán Nhường Trà
Bạn Kim Liêng, cựu học sinh Trường Trung học công
lập Kiến Hòa, sinh năm 1955, vào năm Ất Mùi(2015) này, Kim Liêng tròn
60 tuổi tây, 61 tuổi ta- tuổi của đúng vòng quay…đáo tuế.
Mừng đáo tuế Kim Liêng - ảnh: Tư Văn Nghệ |
Bạn Kim Liêng chọn ngày tết Dương lịch 1-1-2015 làm
dấu ấn đáo tuế cho mình tại hội quán Nhường Trà(phường 8, TP Bến
Tre).
12 giờ trưa ngày 1-1-2015, gần 30 cựu học sinh và
thầy- cô Nguyễn Đăng Phu có mặt tại Nhường Trà để chúc mừng Kiêng
Liêng. Bạn Huỳnh Thanh Quang, Diệp Hoàng mang đến đây lẳng hoa nho nhỏ
nhưng đậm tình.
Bạn Lương Văn Tô My, Trưởng ban Liên lạc cựu giáo
viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa làm MC, giọng sôi nổi: “Chúc mừng bạn
Kim Liêng…tròn 60 cái xuân xanh…”. Rồi, thắp nến, cắt bánh sinh nhật,
vỗ tay, nâng ly, ca hát… Bạn Kim Liêng buông lời ca: “Lòng xao xuyến…
mỗi năm hoa phượng rơi…nhắc lại câu chuyện buồn…”.
Dịp này, các bạn cựu học sinh sinh năm 1955 như:
Thanh, Thẩm, Thiều Quang, Kim Anh, Ngọc Anh, Hương, Bảo…lên phía trước,
đứng chung chụp ảnh lưu niện với bạn Kim Liêng và trong bụng từng
người chắc cũng nói thầm: “Ta cũng sinh năm 1955 đây…”. Riêng bạn Huỳnh
Thanh Quang, sinh năm 1956(Bính Thân), chắc cũng nói nhỏ với riêng mình:
“Học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa niên khóa 1967-1974, sinh
năm 1956 mới học đúng tuổi, 1955 là dư một tuổi, già hơn vậy mà cũng
muốn… “khoe””.
Nhưng những mái tóc trên giờ đều điểm bạc như
nhau. Tôi nghĩ vào thời điểm này và sắp tới, cũng tại hội quán
Nhường Trà này đây, sẽ có rất nhiều bạn bước vào tuổi đáo tuế để
tiếp tục đi hết con đường trần. Hoan hô: Nhường Trà, hoan hô: Nhường
Trà. Nhường Trà là chỗ dựa cho những cựu học sinh nay vừa trở thành
thời trẻ của…tuổi già!
Lê Thị Thặng
Subscribe to:
Posts (Atom)