25/07/2014

Cô giáo cũ

Nguyễn An Cư

Đã hơn mười phút trôi qua, Liên vẫn chưa dám gõ cửa nhà cô giáo cũ! Thật ra không phải chỉ mười phút mà đã mười năm rồi. Cái ý định nầy thôi thúc Liên từ thời học lớp sáu; đến nay thì Liên đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, sắp sửa nối nghiệp cô Trâm, cô chủ nhiệm của Liên thời đó.
Mười năm rồi - khi cô Trâm còn ở chung thị xã với Liên- cứ mỗi lần thập thò đến nhà cô Trâm, Liên lại quày quã trở về, viện lý do nầy lý do khác để tự khất dần!
Cuối cùng Liên cũng thu hết can đảm gõ nhè nhẹ cửa nhà cô giáo cũ. Liên nghĩ, nếu lần nầy không gặp cô Trâm để nói hết sự thật thì sắp tới không làm sao Liên an lòng đứng trên bục giảng.
Nghe tiếng gõ cửa, cô Trâm vội vã ra mở. Cô ngỡ ngàng khựng lại khi thấy Liên rồi vụt hỏi tới tấp:
- Ý! Liên hả? Trời ơi! Lâu quá mới gặp! Vào nhà đi em. Sắp đi dạy rồi phải hôn?
Liên thở phào nhẹ nhõm. Thế là trình tự và nội dung trong “giáo án” cho cuộc hội ngộ với cô Trâm mà Liên đã “soạn” trong mười năm qua đảo lộn hoàn toàn!
Liên nghĩ là khi gặp cô Trâm, chắc chắn cô không nhớ Liên đâu. Làm sao nhớ được hàng ngàn học sinh qua mười mấy năm giảng dạy? Chắc chắn là cô Trâm sẽ hỏi em tên gì, ở đâu, học với cô năm nào? Rồi cô sẽ khẽ nhíu mày cố moi ra trong trí nhớ. Khi ấy, Liên sẽ nhắc rằng năm ấy có một học sinh làm lớp trưởng lớp sáu do cô chủ nhiệm, tính tình rất trầm lặng, tóc thường buộc thành hai bím bằng hai sợi vải tím, ngồi ở đầu bàn chót dãy bên trái. Có thể là cô cũng chưa nhớ ra Liên. Cô sẽ tiếp tục nhíu mày hoặc may lắm là khẽ gật đầu, ờ ờ lên mấy tiếng…


Liên đâu có ngờ, không những cô Trâm nhớ tên mà lại còn nhớ rõ từng đặc điểm của Liên ngày xưa và hoàn cảnh bây giờ! Liên rơi vào tình huống trái ngược trong “giáo án” đã chuẩn bị trước nên đành im lặng ngồi nghe!
Cô Trâm líu lo kể:
- Hồi đó em chỉ mặc có một cái áo dài trắng phải hôn? Em mang cái cặp da sứt mất một khóa phải hôn? Ờ cái nốt ruồi nhỏ dưới càm, em phá hồi nào?...
Vừa hỏi, cô Trâm vừa nâng mặt Liên ngắm nghía như Liên chỉ là một cô học trò nhỏ!
Rồi giọng cô Trâm chùng xuống:
- Hồi đó, nghe tin em đậu vào Trường Đại học Y khoa Thành phố Hồ Chí Minh cô mừng lắm. Đến chừng nghe em không có tiền học đành phải về Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh nhà, cô buồn vô hạn! Thật lòng mà nói, hồi đó cô định gởi tiền bảo trợ cho em học đại học, bởi cô biết em có chí và học giỏi. Bất ngờ ba cô bệnh nặng rồi qua đời, gia đình túng quẩn, lương giáo viên ít ỏi, cô đành bỏ ý định của mình!...
Liên nghe cô Trâm kể mà đôi mắt đỏ hoe tự lúc nào!
Cô Trâm hỏi Liên từ chuyện gia đình đến chuyện học hành vừa qua và sự chuẩn bị cho công tác sắp tới. Giống hệt cái năm lớp sáu, lần đầu tiên Liên đến nhà thăm cô Trâm một mình. Liên cũng chỉ ngồi rụt rè khép nép trả lời từng câu hỏi của cô giáo và nhỏ nhẻ nhai từng viên kẹo cô lần lượt đưa cho!
Thấy Liên mấy lần xò xè mở cặp ra như định lấy một vật gì rồi lại ngập ngừng đóng cặp lại và ấp úng mãi, cô Trâm nhìn thật sâu vào mắt Liên hỏi:
- Em định tặng cô món gì hay định nhờ cô chuyện gì vậy Liên? Hay là soạn giáo án gặp khó khăn phải hôn?
Đúng là “giáo án” của Liên đang có vấn đề! Liên đang đứng trước tình huống đã chuẩn bị rất kỹ trong giáo án nhưng vẫn không trình bày được!
Liên nhìn cô giáo thật lâu. Hơn bốn mươi tuổi mà cô vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như ngày Liên học cô năm lớp sáu. Cô nói cười giòn giã, lôi đủ thứ bánh kẹo, trái cây trong tủ lạnh ra ép Liên ăn như Liên còn là đứa học trò nhỏ rụt rè. Có điều da mặt của cô đã có nhiều nếp nhăn.
Liên trệu trạo nhai mấy viên kẹo cô Trâm đưa mà miệng đắng nghét, mặt đăm đăm, bụng rối bời. Liên hết nhìn cô giáo lại im lặng cúi mặt xuống bàn không biết bắt đầu câu chuyện muốn kể ra sao! Đến chừng nghe cô Trâm nhắc lại “Em định nhờ cô chuyện gì phải hôn” Liên mới ấp úng thưa:
- Thưa cô, không! Em không định nhờ cô chuyện gì cả. Em muốn… thú thật với cô… chuyện xấu hổ ngày xưa.
Cô Trâm đứng dậy vỗ vai Liên cười giòn:
- Ồ! Chuyện gì mà quan trọng vậy Liên? Thôi. Đừng kể gì cả. Cô còn biết trước sau gì cũng có ngày hôm nay, phải không Liên? Người trung thực không thể nào chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm.
Liên giật thót người! Vậy là cô Trâm đã biết? Thảo nào…
*
                                         *             *
Năm ấy Liên học lớp sáu Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Nhà Liên đông anh em và nghèo lắm. Nghèo đến nỗi ba má Liên không sắm cho Liên được cây viết máy đàng hoàng như các bạn! Thời đó, một cây viết máy hiệu Pilot như các bạn Liên xài trị giá gần năm bảy ngày công bốc vác của ba Liên. Lòng ham muốn đã thôi thúc Liên thành kẻ tham lam! Xấu xa nhất lại là tham lam của cô giáo mình!
Tiết giảng văn hôm ấy cô Trâm mải mê giảng đã lấn sang giờ chơi mấy phút. Cô vội vã xếp sách vở rời khỏi lớp, bỏ quên lại cây viết thật đẹp. Liên là lớp trưởng lên thu dọn bàn giáo viên và nhặt được. Về phòng giáo viên, cô Trâm mới phát hiện mình bỏ quên cây viết ở lớp sáu vừa dạy. Vào học, cô trở vào lớp hỏi thăm. Không có em nào nhặt được…
Cô Trâm buồn lắm. Cây viết đối với cô không đáng giá gì. Chỉ buồn vì biết chắc học trò mình nhặt được nhưng chúng không cho lại. Lý do nữa, cây viết nầy của Quân –người yêu cô- đã mua và tự khắc tên hai người để tặng lúc cô ra trường. Tính Quân, Trâm biết quá rõ, yêu thì cuồng nhiệt đến độ mù quáng! Ai đời gần tới ngày thi tốt nghiệp mà lại cặm cụi hai ba ngày để khắc viết tặng người yêu? Ngược lại tự ái của Quân cũng cao bằng núi! Lại khắt khe và độc đoán nữa. Trâm mà sơ ý không quan tâm đến Quân một chút là chàng giận hờn! Để mất quà kỷ niệm là xem thường tình yêu của Quân; lôi thôi lắm chớ không đơn giản!
Trong lúc cả lớp nhao nhao lên tiếng “Xét cô! Xét cô” thì Liên đang chết điếng trong lòng. Mặt Liên tái dần, đến nỗi nếu cắt chắc không còn một giọt máu. Trâm đảo mắt nhìn đám học trò, chợt chú ý đến sắc mặt bất bình thường của Liên –cô trưởng lớp mà Trâm tin cậy- Thôi, đúng là Liên rồi! Liên làm trưởng lớp mới dọn dẹp bàn giáo viên…
Trâm tưởng tượng đến sự giận dỗi của Quân sắp tới, toan bước xuống hỏi Liên cho ra lẽ. Nhìn nét mặt xanh như tàu lá của Liên, cô đã ngăn được bước chân mình. Mặc. Nếu Quân có giận dỗi thì đành chịu! Mình không thể tàn nhẫn hạ thủ đánh gục đứa học trò nhỏ dại đang thoi thóp chờ chết này. Trâm nghĩ thầm như vậy.
Tiếng học sinh vẫn nhao nhao “Xét cô! Xét cô!”. Cô Trâm gượng cười bảo: “Không cần đâu các em. Chắc là cô đánh rơi dọc đường”. Trâm bước thẳng về phòng giáo viên, gục đầu xuống bàn buồn da diết.

*
*                       *
Không khí nặng nề chậm chạp trôi qua. Cô Trâm cố khuấy động và giục Liên:
- Nào nảy giờ ngồi im ru, ăn hoài hết kẹo bánh của cô còn gì! Bây giờ em kể cho cô nghe chuyện vui buồn mấy năm qua đi chứ? Có người yêu chưa nè?
Liên nhỏ nhẹ:
- Dạ thưa cô, những chuyện đó hôm nào em sẽ kể. Thưa cô,… có phải hôm đó cô đã biết… em là… thủ phạm lấy viết của cô?
Cô Trâm khẽ cười:
- Biết chứ! Người ta bảo “Có tịt thì nhúc nhít” mà. Chỉ có em mới thay đổi sắc diện, các em khác vẫn hồn nhiên.
Liên cúi đầu nói như sắp khóc:
- Cám ơn cô! Nếu hôm đó cô xét cặp, chắc em chết mất vì xấu hổ! Em cũng nghĩ rằng cô đã nghi em. Nghi thôi, chứ không ngờ cô đã biết! Em còn nhớ sáng hôm sau cô gọi em trả bài, chắc là để dò la em. Em run quá, đọc vấp váp mãi. Em ngạc nhiên sao cô không cho em điểm kém mà cho khất lại hôm khác trả? Sao cô không… trả thù em?
Cô Trâm cười ha hả:
- Trời ơi! Bây giờ sắp làm cô giáo rồi mà còn hỏi ngớ ngẩn vậy sao Liên? Ai mà không có một lần lầm lỡ, nhất là trẻ thơ. Miễn sao lầm lỡ mà biết hối cải thì ai cũng tha thứ. Cô đã thấy em rất hối hận khi sự việc đó xảy ra. Có thầy cô giáo nào nhẫn tâm trù dập, trả thù học trò mình đâu? Cô nghĩ ai có tâm địa ác độc như thế thì đừng nên đứng trong hàng ngũ nhà giáo.
Liên an lòng và dạn dĩ hơn:
- Thưa cô, cho em tò mò một chút. Em thấy trên cây viết có khắc hai chữ “Quân – Trâm”. Vậy chú Quân nào đó có trách cô không?
Cô Trâm yên lặng, mím chặt môi, hai dòng nước mắt khẽ rơi trên má. Liên nhìn quanh quất trong phòng mới thấy dường như cô giáo mình còn độc thân. Liên nghĩ mình thật tệ. Dù là cô Trâm đã chuyển về quê nhưng quê nhà cô và thị xã nơi Liên ở có xa gì đâu mà mấy năm nay Liên không biết gì về cô giáo cũ! Thật lâu cô Trâm mới nghẹn ngào mấp máy được mấy tiếng:
- Em đừng nhắc! Cũng từ việc mất cây viết mà sinh chuyện ly tán đau lòng. Thôi. Người khắt khe như thế cũng không tiếc làm gì!
Liên lảo đảo đứng dậy ôm chầm cô giáo nức nở:
- Cô ơi. Ngày ấy em dại quá, làm liên lụy đến cô! Mong cô tha lỗi…
Liên vội mở chiếc cặp, lấy ra cây viết đã được cất giữ kỹ gần mười năm qua đưa trả lại cô giáo:
- Em xin gởi lại cô kỷ vật đã xui em tội lỗi. Mười năm rồi em có sử dụng nó lần nào đâu. Mỗi lần lấy ra xem là một lần xót xa hối hận!
Trâm ngắm nhìn kỷ vật cũ buồn buồn. Khung trời yêu đương của cô và Quân như hiển hiện ra trước mắt. Nào giảng đường hai đứa chụm đầu ghi ghi chép chép. Nào thư viện ngày ngày hai đứa cùng thủ thỉ hằng mấy giờ liền. Nào công viên tay trong tay xôn xao chiều thứ bảy, cùng dệt biết bao là mộng đẹp. Kỷ vật còn đây mà người xưa nay đâu!
Bất chợt Trâm đưa cây viết lại cho Liên, giọng chùng xuống hẳn:
- Em cất đi! Giữ nó cô thêm buồn…
Liên chăm chăm nhìn cô giáo, đắn đo đáp:

- Nếu cô thấy không cần thì cho em xin. Đây là kỷ vật sâu sắc nhất để em nhớ mãi tấm lòng nhân hậu của cô và cũng là bài học để em cư xử với học trò. Xin cám ơn cô. Thưa cô, bây giờ chú Quân ở đâu? Ngày mai em sẽ tìm chú Quân để nói cho chú ấy rõ việc nầy…

No comments:

Post a Comment