20/04/2014

            Thạnh Hải xa mà gần

            Huỳnh Thanh Quang

            40 năm chúng tôi xa mái trường xưa, mang theo kỷ niệm ngọc ngà và trong hành trình mưu sinh dài xa thăm thẳm ấy, những cựu học sinh thế hệ chúng tôi, dù ít nhiều, vẫn luôn để tâm thương yêu các học sinh thế hệ đàn em đang còn nhiều khó khăn tại quê nhà (Bến Tre). Ngày 19/4/2014, chúng tôi đã đến với các em học sinh tại một ngôi trường tiểu học ở tận cùng cù lao Minh: xã Thạnh Hải.

Ngư dân Thạnh Hải


            Trời còn mờ tối, lúc chưa 5 giờ sáng tôi (Huỳnh Thanh Quang), Lưu Huỳnh Thống, Đặng Thị Kim Liêng đã có mặt tại phòng khám răng của anh Lương Văn Tô My(số 3, đường Ký Hòa, Q.5, TP HCM),Trưởng ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa để về Bến Tre. Theo hành trình, xe chúng tôi sẽ về đến Hội quán Nhường Trà (phường 8, TP Bến Tre) lúc 7 giờ. Tại đây, chúng tôi xả hơi chốc lát rồi rước thêm anh Cao Thành Văn, chị Võ Thị Ngọc Liễu (cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa niên khóa 1966 -1973)-người đem tặng 1.000 quyển tập cho các em học sinh tại Thạnh Hải.
            Lúc gần 10 giờ, xe chúng tôi vượt qua cầu Ván mới xây dựng khang trang (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú), hiện ra là một không gian với những nổng cát cao, những vạt rừng ngập mặn, nắng đỏ chói chang và nhuốm mùi biển cả rộng xa ngút tầm mắt. Xe chúng tôi rẽ vào Hồ Cỏ, đến ngôi trường tiểu học xã Thạnh Hải nằm cạnh đó. Từ đây nhìn lại con đường đã đi, chỉ trong 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã vượt quãng đường xa khoảng 160 km.
            10 giờ 30, các em học sinh nhận học bổng và học phẩm đã tề tựu đông đủ tại ngôi trường đầy nắng gió này. Ngoài 1.000 quyển tập cho các em, Ban Liên lạc trao 20 suất học bổng, mỗi suất 300.000 đồng cho các học sinh Trường Tiểu học và Trường Phổ thông cơ sở xã Thạnh Hải.
            Anh Lương Văn Tô My nói với các học sinh:”Đây là món quà nho nhỏ do các anh chị cựu học sinh Trường Trung học công lập đóng góp gởi cho các em. Ban Liên lạc đã chọn những điểm trường xa xôi nhất, còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh nhà để lần lượt gởi đến các em chút tình…”.

            Trước phút chia tay, thầy Nguyễn Phú Khánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thạnh Hải cho biết hiện giáo viên toàn xã là 46 người, hơn 50% là giáo viên từ những địa phương khác đến dạy, dạy một thời gian rồi xin đi. Hiện tại, sinh hoạt về tinh thần của thầy cô còn nhiều mặt hạn chế so với những nơi khác trong tỉnh. Chiều, tối ở đây quạnh quẽ, buồn lắm… Anh Lương Văn Tô My, chị Đặng Thị Kim Liêng, chị Võ Thị Ngọc Liễu liền quyết định là mua tặng cho trường cái Ti Vi màu đời mới. Mỗi người xuất ra 2 triệu đồng từ tiền túi của mình, tổng cộng 6 triệu đồng và giao cho anh Cao Thành Văn mua, chuyển giúp đến Trường Tiểu học xã Thạnh Hải càng sớm càng tốt. Ngay buổi chiều 19/4, anh Cao Thành Văn đã mua xong một Ti Vi hiệu Sony Led 32 inchs,  theo đó cửa hàng sẽ chuyển giao đến tận nơi vào ngày đầu tuần với tổng cộng 5,95 triệu đồng…
                                                          
Anh Lương Văn Tô My vượt đường xa đến với Thạnh Hải


Chị Đặng Thị Kim Liêng, Ủy viên Tài chánh, BLL cựu GV&HS Trường Trung học công lập Kiến Hòa phát học bổng cho các em
                       
Các em học sinh nhận học bổng

BLL chụp hình lưu niệm với các thầy cô Trường Tiểu học Thạnh Hải.


 


08/04/2014

Kỳ thi Olympic năm 2014: Trường THPT Chuyên Bến Tre đạt 9 huy chương vàng


           

            Kỳ thi Olympic 30-4 lần thứ 20 năm 2014 do Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) tổ chức diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/4. Các thí  sinh là số học sinh THPT được tuyển từ 118 trường THPT Chuyên, THPT từ tỉnh Quảng Trị trở vào đến Cà Mau. Kết quả: Trường THPT Chuyên Bến Tre đạt 9 huy chương vàng: môn Toán, Nguyễn Duy Linh (lớp 11 Toán), môn Vật Lý, Huỳnh Vĩnh Lộc (lớp 11 Lý) và Hồ Quang Huy (lớp 11 Lý), môn Hóa, Trần Thủy Cát (lớp 11 Hóa), môn Sinh, Phạm Thị Mai Trúc (lớp 11 Sinh), Hồ Văn Nhật Trường (lớp 11 Sinh) và Nguyễn Thanh Tuấn (lớp 11 Sinh), môn Sử, Phạm Minh Châu (lớp 11 Sử) và Nguyễn Châu Pha (lớp 11 Sử) và 15 huy chương bạc, 18 huy chương đồng. Trong nhiều năm qua, Trường THPT Chuyên Bến Tre luôn đạt thành tích tốt tại các kỳ thi khu vực, toàn quốc.


                                                                                                                                   Lê Thị Thặng

07/04/2014

            Đến với trang trại Anh Mỹ

            Huỳnh Thanh Quang

            Hàng năm, anh Trần Minh Mẫn lại rủ các cựu học sinh, giáo viên Trường THPT huyện Mỏ Cày (Bến Tre) lên trang trại của anh ăn trái cây chơi. Mỗi lần đến đây, tôi thấy diện tích trang trại của anh càng nở rộng với cây trái sum suê và tôi không khỏi giựt mình khi biết được mức thu nhập của trang trại này.



            Đem chuông đánh ở xứ người
            Anh Trần Minh Mẫn quê gốc huyện Mỏ Cày. Trang trại của anh có tên Anh Mỹ, rộng 62 hecta, nằm sát sông Bé thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, Bình Dương. Đặc biệt là 62 hecta này là đất liền canh, cứ hết khu trồng quýt thì tới khu trồng cam, trồng bưởi da xanh, mỗi khu rộng khoảng 20 hecta. Và đặc biệt hơn nữa là tất cả cây giống cam, quýt, bưởi da xanh anh đều đem từ Bến Tre lên đây trồng.
Chúng tôi luồn sâu vào vườn cam sành trang trại Anh Mỹ. Anh Thạch Hải, quê huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), một nhân công chăm sóc vườn cây có múi tại đây, cứ lựng khựng rồi nói:” Có mấy anh đến tham quan vườn cam, kêu tôi hái trái, tôi mới dám hái…”. Tôi hỏi: “Vì sao? Chỉ xin vài trái, cầm tay chơi cho vui vậy mà. Ở đây, trái cây phải tính đến con số tấn, tấn”. Anh Thạch Hải là người gốc Khơ me nên nói giọng cứng cứng: “Làm công việc như tụi tôi mà tự hái một trái, bị phát hiện, sẽ bị phạt 50.000 đồng. Kỷ luật ở đây nghiêm lắm – anh tiếp lời – hầu hết nhân công chăm sóc vườn trái cây tại đây đều ở dưới miền Tây (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) lên làm, riêng “hệ” này có khoảng 70 nhân công, tháng chủ trả cho 3,5 triệu đồng, công việc làm liên tù tì, suốt năm. Về ăn, ngủ: trong trang trại có hai dãy nhà rộng dành riêng cho nhân công”. Lại hỏi: “Sáng nay mấy anh, mấy chị đang làm gì trong vườn cam này?” Đáp:” Làm giàn đỡ để giúp trái cam không hoằng xuống. Còn tầng trên ngọn, cũng làm giàn phủ để phủ lên tấm che chống nắng – lượm lên một trái cam vừa rụng, nám vàng một bên, anh giải thích – Như trái cam này đây, bị nắng…táp rồi đó”.
            Anh Mẫn tâm sự: “ Thật ra, tôi là một dược sĩ. Năm 1999, tôi và anh Lương Văn Ấu, cử nhân kinh tế, hợp tác đầu tư xây dựng trang trại này. Anh Ấu là người rất nhiệt tình, giỏi giang và tâm huyết với trang trại. Đến năm 2012, trang trại chúng tôi gồm 50 hecta nhưng vào năm 2013 đã mở rộng thêm 12 hecta – anh Mẫn từ tốn – Sự thành công của hôm nay là nhờ các anh em hỗ trợ, nhất là người quản lý điều hành là anh Trân Văn Thuận nắm rất vững về kỹ thuật trồng cây có múi”. Tại khu trồng bưởi da xanh, anh Mẫn dẫn tôi đi xem những cây bưởi thuộc hạng “lão làng”, trong đó có những cây đã 15 tuổi. Tôi lấy gang tay đo thử gốc bưởi này, úi trời, bề hoành của gốc bưởi hơn 6 gang tay. Anh Mẫn cho biết chỉ riêng cây bưởi này trang trại thu hoạch trên 20 triệu đồng/năm. Tôi hỏi anh Mẫn tổng sản lượng trái hàng năm của trang trại, anh nói cam (cam sành, cam xoàn), quýt (quýt đường, quýt Tiều), bưởi da xanh, mỗi thứ thu hoạch từ 50 -70 tấn/ha/năm, trong khi đó tại ĐBSCL chừng 20 -25 tấn/ha/năm là quát tầm. Cam, quýt giá thấp hơn bưởi da xanh nhưng thu hoạch hai loại này cộng lại, sản lượng khá hơn, khỏe hơn nhiều so với bưởi (bưởi khi ra bông đến kết trái phải qua nhiều công đoạn kỹ thuật chi li). Anh Mẫn nở nụ cười:” Cam, quýt năm 2014 có giá hơn 2013, hiện nay, bán tại đây đã 30.000 - 32.000 đồng/kg…” Tôi làm bài toán và nghĩ thầm: “Vậy là tiếng chuông của trang trại Anh Mỹ đã ngân vang trên đất miền Đông…”.

Bưởi da xanh tại trang trại Anh Mỹ

            Lợi thế miền Đông
            Đất đai phì nhiêu, mầu mỡ, có thể mở rộng diện tích liền canh chừng vài chục hecta để có sản lượng lớn, sản phẩm đồng đều là điều có thể thực hiện được tại miền Đông. Còn tại ĐBSCL, hộ chỉ vài hecta (những người có nhiều đất ) nên việc canh tác, sản xuất tại đây vẫn trên nền nhỏ lẻ, manh mún, khó chủ động nhất là về mặt sức cung.
            Để phát huy lợi thế của miền Đông, anh Trần Văn Thuận cho biết về sức đầu tư của trang trại: Về phân bón, cứ khoảng 2 tháng chi 1 tỷ đồng, gồm 600 triệu đồng phân vô cơ, 400 triệu đồng phân hữu cơ. Riêng về hệ thống tưới cây, hệ thống tưới này được đặt âm dưới lòng đất, béc phun tưới nước tự động, đầu tư tính ra khoảng 60 triệu đồng/hecta. Trang trại sử dụng điện 3 pha trên sông Bé, vào mùa khô, cứ hai, ba ngày, các cây nước sẽ xoay vòng tưới đều các gốc cây ăn trái. Toàn bộ lưới điện 3 pha do chính quyền Bình Dương tài trợ, chi phí gần 1 tỷ đồng cách đây 7 năm. Tôi hỏi anh Năm Hiền (quê xã Bình Khánh Đông, Mỏ Cày Nam, Bến Tre), người quản gia của trang trại: “Khi thu hoạch, trái cây của trang trại chở đến các vựa?” Anh Năm cười hiền: “Các mối đến trang trại, thu mua và đóng gói tại đây. Dịp gần tết…sung lắm vì lúc này là thời điểm thu hoạch bưởi da xanh”.
            Rảo khắp khu trồng bưởi da xanh bên bờ sông Bé của trang trại, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nơi đây bưởi không “ngủ mùng” (bao trái), tôi hỏi gặng anh Mẫn: “Ba, bốn năm qua, sâu hồng tấn công dữ dội vào các vườn bưởi tại Bến Tre, ĐBSCL. Để bảo dưỡng trái bưởi không bị xì mủ do sâu hồng đục, các chủ nhà vườn tại đây phải may bao bằng vải mùng và cho bưởi “ngủ mùng” khi trái mới bằng ngón chân cái. Vào một vườn bưởi da xanh, thấy màu trắng, đỏ của bao vải mùng bịt trái nhiều hơn màu xanh của cây trái!?” Anh Mẫn cho rằng sở dĩ nơi đây không có sâu hồng vì đất rộng, liền canh, mọi biện pháp về trừ sâu được khoanh vùng, xử lý kỹ thuật triệt để. Còn tại dưới quê nhà (Bến Tre – ĐBSCL), người ta chỉ canh tác trên diện tích 5-7 công đất hoặc một vài hecta, đất lại san sát nhau, xịt thuốc bên này, sâu bay sang bên kia rồi đáo lại tiếp tục phá hại cây trái.
            PGS- TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã một lần đến trang trại Anh Mỹ. Ông đánh giá rất cao trang trại này vì thu nhập tại đây rất cao, ông nói: “Ở miền Đông mà làm được trái vụ trên cam quýt thì tay nghề phải rất cao, người trồng vừa nắm được kỹ thuật vừa nắm được thị trường lúc nào cần”.

Tôi đã nhiều lần ăn cam, quýt, bưởi da xanh của trang trại Anh Mỹ. Chất lượng múi ngon ngọt, thanh khiết và khi ăn tôi không có cảm giác lo lo như phải mua các loại trái cây có hình thức sặc sỡ, tươi chong đang tràn ngập ngoài các chợ.

Anh Trần Minh Mẫn.