21/08/2014

Kiểng treo đi xa...


         Phan Lữ Hoàng Hà

Xứ Cái Mơn(Vĩnh Thành) hiện có trên 200 điểm lớn nhỏ sản xuất kiểng treo. Anh Cao Văn Nhung ở ấp Vĩnh Bắc là một trong những nghệ nhân tiên phong tại quê nhà lao vào mặt hàng kiểng treo thời thượng này.

            Thì ra…Thái Lan
            Cách đây chừng 8 năm, một hôm, anh Cao Văn Nhung rủ người em trai Cao Văn Huệ cùng ngụ tại ấp Vĩnh Bắc(xã Vĩnh Thành(Cái Mơn), huyện Chợ Lách, Bến Tre) đi tham quan điểm bán hoa kiểng của ông Tâm tại Sóng Thần(Bình Dương). Điểm bán hoa kiểng của ông Tâm thật phong phú, đa chủng loại, trong đó ông trưng bày rất nhiều các loại kiểng treo được nhập về từ Thái Lan, Đài Loan, loại nào trông cũng ngộ nghĩnh, lạ và đẹp mắt vì vậy tiếng đồn “vua hoa kiểng thời thượng” bay xa.
            Khi đến điểm bán hoa kiểng của ông Tâm, bên tai anh Nhung vẫn còn đọng lại câu hỏi của người thân từng đi du lịch Thái Lan:”Bên đó kiểng treo nhiều lắm, rất thịnh hành. Kiểng treo đẹp, lạ mắt nhưng giá cả phải chăng. Người ta “chơi” kiểng treo ở phòng khách, ngoài mái hiên, vòm nhà…, nói chung, đó là không gian chỉ thích hợp cho…hoa mủ. Cái Mơn là xứ sở nổi tiếng về nhân ghép cây giống sao mấy ông không tìm cách làm ra kiểng treo, bán cho cả nước?”.
            Chỉ tay vào một giò kiểng treo, anh Nhung hỏi ông Tâm:”Tên gọi của loại này là gì?”. Ông Tâm: “Son môi, gốc Thái Lan”. Anh Nhung:”Bao nhiêu một giò?” Ông Tâm:”120.000 đồng…”. Anh Nhung liền mua một cặp kiểng treo son môi, còn anh Huệ mua một cặp kiểng treo lan tim cũng xuất xứ từ Thái Lan rồi chào tạm biệt ông Tâm.
            Trở về quê nhà(ấp Vĩnh Bắc), trong âm thầm lặng lẽ, anh Nhung miệt mài nhân giống kiểng treo son môi và khoảng 8 tháng sau đó, anh Nhung đã sở hữu vườn kiểng treo son môi với hàng trăm giò đã có thể xuất bán.  Không lâu sau, anh Nhung lại tìm đến ông Tâm mua thêm nhiều loại giống mới. Trước ông Tâm, anh Nhung xởi lởi:”Chừng nào ông chủ có rảnh, mời ông xuống nhà tụi tôi chơi…” Ông Tâm vui vẻ nhận lời, nói:”Chúng tôi sẵn sàng mời các anh đi Thái Lan một chuyến để xem kiểng treo ở bên đó. Kiểng treo của họ đã đi trước mình một bước xa rồi”.

Vườn kiểng treo của anh Cao Văn Nhung

            Diều gặp gió
            Lần đầu tiên ông Tâm gặp anh Nhung ở Vĩnh Bắc, ông Tâm mở lời ngay:”Hồi gặp anh lần đầu tiên, tôi…nghi nghi là người ở Cái Mơn-xứ sở nổi tiếng làm giống cây kiểng mà tôi chưa có dịp đến”. Chỉ tay vào giàn kiểng treo son môi hàng trăm giò treo lủng lẳng trước sân nhà, giọng anh Nhung từ tốn:”Giống từ…Sóng Thần đó…”. Ông Tâm trầm trồ:”Tuyệt quá. Mấy anh tài quá. Danh bất hư truyền”.
            Trên sân vườn rộng khoảng 5 công đất(5.000m2), ngoài kiểng lá, mai vạn phúc, anh Nhung dựng lên nhiều khu kiểng treo, mỗi khu chừng một ngàn giò, nhỏ có, vừa lớn có, sắp bán có. Về kiểng treo son môi, anh Nhung có 7 loại son môi rồi hạt dưa(2 loại), lan tim(màu xanh, cẩm thạch), đô la, cá đỏ, cá vàng…mà theo anh Huệ cho biết hàng năm, anh Nhung cho “ra lò” trên 20.000 giò kiểng treo các loại. Tôi hỏi chị Oanh, vợ anh Nhung:”Giò son môi có đường kính một gang tay này bao nhiêu tiền?” Chị Oanh:”Bán nhiều 38.000 đồng/giò, bán ít 40.000 đồng/giò – và chị cho biết thêm – Cách đây khoảng 2 năm, hoa dừa cạn(một loại kiểng treo gốc nội đia) lên ngôi, làm các loại kiểng treo khác xính vính nhưng rồi hoa dừa cạn mau tàn úa nên người ta không còn thích nó nữa. Bởi vậy, son môi, lan tim, đô la…mới giữ vững ngôi vua. Các loại kiểng treo sản xuất tại Cái Mơn nói chung bán quanh năm suốt tháng, dịp tết thì nhiều hơn, thị trường tiêu thụ khắp nước, nhiều nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mua một giò kiểng treo để phòng khách, nếu chăm sóc kỹ lưỡng, tuổi thọ của nó ngoài năm. Tôi thầm khen: Giá trước đây từ 100-120.000 đồng/giò kiểng treo son môi nhưng qua tay các nghệ nhân xứ Cái Mơn, họ hô biến… chỉ còn 38.000 đồng/giò tại gốc.
            Phòng khám răng của anh Cao Văn Huệ đối diện với vườn kiểng treo của anh Nhung. Hàng ngày, ngoài việc khám răng cho khách hàng, anh Huệ nhính thời gian chăm sóc vườn kiểng treo khiêm tốn của mình. Vườn kiểng treo bên hông nhà anh Huệ chừng 70 m2, treo khoảng 200 giò kiểng treo son môi nhưng anh Huệ cho biết mỗi năm anh kiếm thêm vài chục triệu đồng. Anh Huệ nói:”Ví như kiểng lá phát tài là giống của Đài Loan. Ở Đài Loan, người ta nhân giống cây phát tài rất hạn chế vì phải tách ra từng cây con rồi cặm xuống đất nhưng khi gống này đến xứ Cái Mơn(Vĩnh Thành), bằng phương pháp cắt ra từng nhánh, cặm xuống đất nên số lượng nhân giống rất nhanh và nhiều”. Quả vậy, so với cả nước, xứ Cái Mơn là vùng đất lý tưởng cho ươm ghép cây giống, cây kiểng. Đây là vùng đất mà người ta ví von là…”của trời cho”.
            Anh Nhung bật mí cách nhân giống kiểng treo:Từ giò kiểng treo đã mua, anh cắt ra từng mắt lá rồi chấm vào thuốc kích thích, tăng trưởng rể cây, cặm vô giò nhiều mắt lá. Trong giò nhân giống là mùn dừa trộn với trấu. Đặc biệt, để tạo độ ẩm cho môi trường nhân giống, anh dùng bao ny long trùm kín trên giò(không cho không khí lọt vào) chừng 20 ngày đến một tháng mới mở ra. Sau khi mở bao ny long ra, anh bắt đầu cho kiểng treo ăn phân. Phân bón này của Đài Loan, hột màu đen, rắn, 120.000 đồng/kg, nó “ép phê” đến 6 tháng. Một giò kiểng treo “nuôi” khoảng 8 tháng, các dây kiểng ra lá sum suê, lần lượt đươm hoa, trông rất đẹp mắt.
            Những năm gần đây, vào dịp hè, các sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh thường đến vườn kiểng treo của anh Nhung tìm hiểu, thực tập. Hàng ngày, anh Nhung chỉ cho các sinh viên cách nhân giống kiểng treo rồi bắt các sinh viên thực hành. Hóa ra nơi này ngoài tạo cho anh Nhung có nguồn thu nhập cao, vườn kiểng treo của anh còn là môi trường lý tưởng để các sinh viên thực tập, thu lượm kinh nghiệm thực tiễn.

            Cái Mơn có số dân trên 10.000 người nhưng tại đây có trên 90% số hộ nào giờ chuyên sống với nghề nhân cây giống, làm cây kiểng. Trải qua sức sống của làng nghề này, từng giai đoạn, các nghệ nhân tại đây cho ra đời nhiều sản phẩm cây kiểng phong phú, độc đáo như cây kiểng cau đỏ, kiểng thú các loại từ nguyên liệu cây cằn thăng, cườm rượm, kiểng phát tài, vạn niên tùng, thủy tùng(long giáng), “mai vàng mini”, kiểng xanh(qui mô lớn) từ nguyên liệu cây si, cây sanh…và những năm gần đây là kiểng treo với vô số loại. Trong tương lai không xa, tôi chắc chắn làng nghề này sẽ còn cho ra đời nhiều sản phẩm cây kiểng mới lạ, độc đáo. Để xem…/

Kiểng treo son môi.

Sâu thẳm dầu dừa

            Huỳnh Nguyên Khang

Dầu dừa là một dược phẩm từ thiên nhiên, rất hữu hiệu trong làm đẹp cho phái nữ. Từ thời xa xưa, phái nữ sử dụng dầu dừa để giúp tóc bóng mượt, làn da mềm mại, làm phai mờ các vết rạn da, chống lão hóa, chăm sóc và bảo vệ làn da trước các tổn thương. Vì vậy hiện nay rất nhiều người tìm mua cho được dầu dừa tinh chất sản xuất tại Bến Tre.

            Dầu dừa thời thượng…

Dầu dừa nguyên chất Thành Vinh

 

Lúc ngồi uống cà phê sáng tại TP HCM, ông bạn tôi gởi tôi 500.000 đồng rồi nói:” Về Bến Tre mua dùm tôi dầu dừa, loại dung tích 500 ml nhưng dầu phải màu trắng nghen. Khi nào lên đây, đem lên…”Tôi hỏi:”Để làm gì? Lúc này bạn…ăn chay rồi à?”. Đưa cánh tay cho tôi xem, ông bạn tiếp lời:” Da tay tôi bị trổ “đồi mồi”, thoa dầu dừa nay đã lặn nhiều lắm. Dầu dừa dưỡng da rất tốt”. Một người thân của tôi sống nghề xay bột(bột khô, bột ướt) tại quận 3, TP HCM. Thấy chị đang xay gạo trắng trộn với gạo lứt cho mối, tôi hỏi:”Xay bột gạo này để người ta làm thức uống hay làm bánh?”. Chị cười:” Xay bột gạo khô cho mấy tiệm massage. Với bột gạo xay nhuyễn này, mấy nơi làm massage pha thêm dầu vào, đắp lên da cho khách hàng. Nghe nói, sau nhiều lần đắp, da sẽ mịn màn lắm…”
            Ngày xưa, dầu dừa là nguyên liệu chính để sản xuất xà bông(cây) như nhãn hiệu xà bông nổi tiếng Ba cây dừa Nam Hưng, xà bông Cô Ba...Ngày ấy, dân đi làm ruộng bị thúi móng chân, người ta lấy dầu dừa đổ vào cái chu cau, hơ lửa, dầu dừa vừa sôi lên thì đổ vào móng chân rất hiệu quả. Lấy dầu dừa pha vào với trái mù u đốt thành than rồi mài ra sứt ghẻ mau lành. Theo thời gian, người ta phát hiện dầu dừa là một dược phẩm tuyệt vời vì dầu dừa có nhiều acid béo,Vitamin E, cung cấp protein, giúp dưỡng da, chữa rạn da, tái tạo da, rụng tóc, tóc khô... Ngoài ra, dầu dừa diệt vi khẩu streptococus(sâu răng) rất hiệu quả. Người nào nếu có sâu răng, người ta khuyên nên ngậm dầu dừa.
            Xuất hiện trên thị trường hiện nay có nhiều nhãn hiệu dầu dừa nhưng tựu trung dầu dừa chỉ có hai màu:màu vàng nhạt và trắng như màu nước mưa. Dầu dừa màu vàng nhạt dùng vào chế biến thực phẩm. Dầu dừa màu trắng, người ta tin tưởng hơn khi dùng làm mỹ phẩm, dưỡng da, dưỡng tóc, răng. Tại chợ phường 3, TP Bến Tre, những điểm bán dầu dừa như nhãn hiệu Thiên Ân, người sản xuất làm tại chỗ gồm xay cơm dừa, vắt nước cốt dừa và thắng dầu dừa. Chị chủ Thiên Ân nói:”Làm như vậy để cho khách hàng thấy…thiên nhiên tinh khiết đang bày ra trước mặt, chứ cũng là dầu dừa nhưng vàng thau lẫn lộn, khó ai biết chất lượng”. Tại đây, dầu dừa Thiên Ân màu vàng nhạt, bán ra 55.000 đồng/chai nhựa(500ml). Người ta thường mua để sứt tóc…
            Tôi ghé vào cửa hàng Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới(297A2, đại lộ Đồng Khởi, phường Phú Tân, TP Bến Tre(ĐT:0753820555), đối diện Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy). Cô chủ cửa hàng cho biết dầu dừa nguyên chất tại đây sản xuất tại Khu công nghiệp An Hiệp(Châu Thành), phương pháp công nghiệp, ép lạnh rồi lọc dầu ra. Hai nhãn hiệu dầu dừa nguyên chất, nước dầu màu trắng nổi bật tại đây là Thành Vinh và Vietcoco. Thành Vinh loại 500 ml bán ra 70.000 đồng/chai, 1000 ml 120.000 đồng/chai. Vietcoco loại bình có vòi xịt 500 ml 100.000 đồng/bình, loại bình 250 ml 55.000 đồng/bình. Thời gian gần đây, dầu dừa bán rất chạy…
           
            Nâng cao giá trị trái dừa
            Với trên 50.000 hecta, tổng sản lượng trên 350 triệu trái/năm, Bến Tre có diện tích vườn dừa lớn nhất Việt Nam và không địa phương nào trong cả nước sánh được chất lượng của dừa trồng trên đất cù lao Bến Tre. Có điều, từ hàng chục năm qua, giá cả trái dừa thật thăng trầm, lên giá, xuống giá bất thường. Để nông dân an tâm chăm sóc mảnh vườn dừa của mình, điều tiên quyết là giá trị đầu ra của trái dừa phải ổn định, nông dân sống được với vườn dừa. Ông Lê Nhứt Thống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BTCO-chuyên sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu tại phường 8, TP Bến Tre-cho biết:”Ngoài chuyện xuất thô dừa khô sang Trung Quốc, tại Bến Tre, chủ lực cho đầu ra của trái dừa hiện nay là ngành sản xuất cơm dừa nạo sấy. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới hiện nay cộng thêm với những mặt hạn chế của các nhà máy, cơ sở sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Bến Tre, lợi nhuận đem về từ sản phẩm này không nhiều, thành ra không nâng lên được giá dừa một cách ổn định. Nhiều nhà máy không cạnh tranh nổi trong thu mua nguyên liệu dừa khô”. Thông thường, có tàu vào Bến Tre mua dừa khô xuất khẩu thì giá dừa liền nhích lên bất kể đang vào mùa dừa treo hay thuận.

            Từ giá trị sâu thẳm của dầu dừa(mà có khi người địa phương xem thường), cho nên việc quảng bá, khuếch trương dầu dừa Bến Tre là một trong những hứa hẹn giúp nâng cao giá trị trái dừa bền vững.

Xay cơm dừa để thắng dầu dừa.

18/08/2014

Thầy Bùi Thanh Kiên thâu đêm với quyển Từ điển Tiếng Việt Nam bộ do thầy biên soạn.

            Thầy Bùi Thanh Kiên
        Miệt mài từng con chữ, nét thêu

            Sáu Quang

            Thầy Bùi Thanh Kiên nay 75 tuổi, ngụ trong một com hẻm của đường Lê Văn Phan, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Mình.
            Một sáng giữa tháng 8-2014, tôi và bạn Lưu Huỳnh Thống sang thăm thầy Kiên. Từ chợ Vườn Chuối(quận 3) sang thầy, xe Honda chạy khoảng nửa giờ đồng hồ, xe qua những phố phường khang trang, nhà cửa san sát, người và xe tấp nập, rất dễ kẹt xe. Bạn Lưu Huỳnh Thống chạy xe thật tài tình, bạn chạy một mạch đã đưa tôi đến ngay nhà thầy Kiên.
            Thấy hai đứa tôi đến thăm, thầy nhận ra liền, kêu rõ từng tên. Thầy Kiên bây giờ hơi mập hơn xưa. Trong bất chợt, tôi nhận ra ngay trong tâm trí mình hình ảnh về thầy Kiên cách đây trên 40 năm. Lúc đó, thầy dạy môn Việt văn tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa, thầy chạy chiếc mobylette màu xanh dương, dáng người không mập không ốm nhưng bước đi năng động, rụp rụp, thỉnh thoảng đôi mắt thầy rất nghiêm trước khi giảng bài. Thầy thường hút thuốc lá Capstan trắng không đầu lọc. Có lẽ lúc đó thầy hút thuốc hơi nhiều vì tôi thường thấy thầy thả khói liên tục những lúc ra chơi. Sở dĩ hôm nay nhắc chuyện hút thuốc của thầy vì nhiều năm qua thầy đã bỏ hút thuốc rồi, thầy đang bệnh suyễn, trong túi áo luôn bỏ theo một ống xịt thuốc…trợ thở.
            Ra quán cà phê đầu hẻm, thầy hỏi:
-          Hai em uống gì, cà phê, nước ngọt?
Thầy kêu cho thầy ly cà phê đá.
Trong khi chờ quán đem thức uống ra, tôi và bạn Thống mở ra gói thuốc lá ra, cài lên môi điếu, tôi nói:
-          Thưa thầy, em vô tình ném viên…đá nhọn vào quá khứ của thầy.
Thầy xua tay:
-          Không sao đâu. Thầy đã bỏ được thuốc lá rồi, hai em cứ tự nhiên…
Trong tâm tình giữa thầy-trò lâu ngày gặp nhau, thầy rất chân tình, cởi mở, gần gũi, không nghiêm nghị, đạo mạo. Bỗng thầy nhớ lại, nói:
-   Hồi mấy đứa học trung học, thầy nhớ lúc đó là lớp 11 thì phải, dịp xuân về tết đến, mấy đứa có tặng cho thầy quyển báo xuân lấy tên Dáng mai- thầy Kiên nhấn mạnh: “Dáng mai” thì đâu có đại diện chung cho cả lớp vì lớp mấy đứa nam nữ hỗn hợp mà!...
Hai đứa tôi bật cười. Thì ra thầy nói láy chữ Dáng mai. Cái này thiệt là đúng vì nó đâu có dính dáng gì phía nữ sinh…Cười chút.
Từ nhiều năm qua và hiện nay thầy miệt mài cho quyển Từ điển Tiếng Việt Nam bộ do thầy biên soạn, sắp in ấn. Thầy nói bản thảo quyển từ điển này gồm 4 tập, dày 1.900 trang với khá đầy đủ thuật ngữ Nam bộ. Nay biên soạn, gút lại chắc cũng còn 1.500 trang. Tôi hình dung ra được và hiểu: Đây là một công trình đồ sộ, thầy đã tâm huyết, dồn hết sức lực, có thể nói là cả cuộc đời của thầy cho quyển từ điển này. Lại càng vui hơn khi tôi được biết để vun bồi cho “công trình” này còn có sự hỗ trợ nhiệt thành của bạn Lương Văn Tô My và các bạn của Hội quán Nhường Trà, cơ quan Phát hành sách…Tất cả đều mong mỏi quyển từ điển “một đời người” của thầy Bùi Thanh Kiên sớm ra mắt bạn đọc.
Bên cạnh, thầy Kiên còn cho biết từ giữa tháng 6-2014, tự tay thầy đã thêu bức tranh có mấy chú ngựa dài 1,2 mét, rộng 70 cm để tặng cho Hội quán Nhường Trà vào dịp tết 2015, kết thúc năm Giáp Ngọ. “Công trình” do thầy mày mò này chắc kéo dài ít tháng nữa…Tôi hỏi thầy Kiên:
-          Về đêm, thầy có ngủ được nhiều không?
            -     Rị mọ với quyển từ điển suốt ngày, có hôm đến 12 giờ khuya chưa ngủ. Chừng vô ngủ, cứ nằm thao thức, trằn trọc cho tới sáng…
Nhưng tôi thấy ánh mắt thầy sáng trưng khi thầy nói:

-     Cố gắng sống sao cho có ích. Gần cuối cuộc đời nhưng thầy vẫn làm việc, tìm việc mà làm với mong mỏi để lại đời sau những điều bổ ích. Và hiện tại, đó cũng là niềm vui của tuổi già…/

Tranh ngựa do thầy Kiên thêu.

02/08/2014


Gặp lại nhé…giữa Sài Gòn


            Một sáng cuối tháng 7-2014, Sáu Quang(Huỳnh Thanh Quang) và bạn Lưu Huỳnh Thống phóng xe ra quán cà phê Gió Bắc, cạnh hồ Con Rùa(quận 3, TP HCM), ngồi uống cà phê. Nhà văn Vũ Hồng đã đến trước đó chừng 5 phút, hút thuốc chờ. Có khoảng trên 20 năm Sáu Quang mới trở lại chốn xôn xao này, còn Lưu Huỳnh Thống thì năm sau(2015) đã về hưu rồi. Hiện nay, lúc gần 11 giờ, Lưu Huỳnh Thống phải chạy riết về nhà ở gần Ngã Bảy để lo cơm trưa cho đứa cháu nội mới 3 tuổi…Già mau quá. Thời gian như…bóng câu qua khung cửa. Trước khi đến quán lẩu cá kèo Sóc Trăng(đối diện chùa Xá Lợi) làm lai rai vài ly chơi, nhà văn Vũ Hồng tranh thủ…sản xuất tấm hình kỷ niệm này.

Sáu Quang(trái) và Lưu Huỳnh Thống.